Trên cơ thể nạn nhân, vết bỏng đã tuột da, lở loét, nhiễm trùng huyết. Theo kết quả giám định thương tật, trẻ bị bỏng ở chân 11% và thương tích khác rải rác khắp cơ thể là 30%. Nhiều người tự hỏi, em bé này đã chịu đựng nỗi đau ra sao trong 3 ngày nằm ở phòng trọ không được chăm sóc? Và số phận sẽ thế nào nếu không được ai đó phát hiện, báo công an?
Một tháng trước, Tòa Gia đình và người chưa thành niên (TAND TPHCM) đã tuyên án sơ thẩm đối với Võ Thị Mỹ Linh (30 tuổi) mức án tù chung thân. Linh là bảo mẫu đánh bé trai 6 tháng tuổi dẫn tới ngưng tim, ngưng thở, dập não. Trẻ tử vong sau nửa năm điều trị. Trước đó, gây phẫn nộ và chấn động xã hội là thảm kịch của bé V.A. (8 tuổi) xảy ra vào tháng 12-2021. Bé bị mẹ kế Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi) bạo hành liên tục dẫn đến tử vong. Thủ phạm bị tuyên án tử hình, còn bố ruột của nạn nhân lãnh án 8 năm tù về các tội “Hành hạ người khác” và “Che giấu tội phạm”. Những bản án về bạo hành trẻ em đảm bảo nghiêm minh, mang tính răn đe và tác động mạnh mẽ đến đời sống. Tuy nhiên, nhiều vụ bạo hành vẫn đang diễn ra phía sau cánh cửa của gia đình, nơi trông giữ trẻ, thậm chí ở mái ấm thiện nguyện như báo chí đã phản ánh.
Tại Việt Nam, trong nhiều gia đình, bạo lực được sử dụng làm phương tiện để thể hiện quyền lực, hoặc nhân danh dạy dỗ trẻ vì “thương cho roi cho vọt”. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hành vi này bị ảnh hưởng bởi khả năng tài chính, trình độ học vấn của cha mẹ, việc lạm dụng rượu, ma túy… Đáng buồn, ở một mức độ nào đó, kỷ luật mang tính bạo lực vẫn đang được chấp nhận. Trẻ em chưa biết cách lên tiếng và tìm sự giúp đỡ khi bạo hành xảy ra. Hậu quả, thân thể, lòng tự trọng và nhân phẩm của trẻ bị tổn thương, ám ảnh về bạo lực có thể đeo đẳng suốt cuộc đời. Có cha mẹ bao biện “con tôi, tôi làm gì là quyền của tôi”, nhưng quên rằng bất cứ hành vi nào xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, nhân phẩm của bất kỳ ai - kể cả con mình - đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nhìn lại vụ án cháu bé 6 tuổi bị đổ nước sôi lên người, có thể thấy, nghèo khổ, nhận thức kém, sinh con quá sớm (khi cha 18 tuổi, mẹ 19 tuổi) góp phần dẫn đến sự thiếu trách nhiệm, và là mầm mống để cái ác nảy sinh với con trẻ. Bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, cần phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức của cha mẹ, người nuôi dưỡng cũng như giải quyết được các yếu tố dẫn đến bạo lực. Và một phương tiện không thể thiếu, chính là sự giám sát. Sự giám sát đến từ tổ dân phố, hội phụ nữ, đoàn thể địa phương, công an khu vực, nhằm nhận diện nguy cơ bạo hành ở từng gia đình, từng đối tượng, hoặc mái ấm. Từ đó, có phương án dự phòng nguy cơ bạo lực, đảm bảo môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ.
TPHCM hiện có khoảng 1,9 triệu trẻ em với hơn 10.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 25.500 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng. Hàng năm, Công an TPHCM vẫn ghi nhận các vụ xâm hại, bạo lực mà nạn nhân là trẻ nhỏ trên địa bàn. Giải quyết triệt để tình trạng bạo hành trẻ em đòi hỏi nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường, xã hội… Cùng với đó, bản thân các em cũng cần được giáo dục sâu sắc về quyền trẻ em, để biết cách tự bảo vệ mình hoặc tìm sự giúp đỡ nếu không may trở thành nạn nhân của bạo hành.