Ngày 30-6, Bộ Công thương tổ chức tọa đàm “Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ”.
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra, hình thức ngày càng tinh vi hơn.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công thương, sản phẩm bị làm giả, làm nhái đủ mọi chủng loại, của các nhãn hiệu nổi tiếng của thế giới và của cả Việt Nam, được nhập lậu từ nước khác vào Việt Nam hoặc được sản xuất ngay ở trong nước.
“Trước đây, hàng giả xảy ra nhiều ở quần áo, mỹ phẩm, giày dép… nhưng bây giờ có cả thực phẩm chức năng”, ông Trần Hữu Linh nói và cho biết, gần đây, lực lượng QLTT còn phát hiện những mặt hàng đắt tiền như mặt kính bếp từ của Đức, Italia… cũng đang bị làm giả tại Việt Nam.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh (bìa trái) cho biết, tình trạng hàng giả ở nước ta ngày càng thách thức cơ quan chức năng |
Trong khoảng một năm trở lại đây, Tổng Cục QLTT nhận được yêu cầu của nhiều hãng có thương hiệu trên thế giới hoặc có nhà máy sản xuất ở Việt Nam về việc điều tra tình trạng làm hàng giả, nhái thương hiệu của họ.
“Ví dụ như hãng Ajinomoto sản xuất bột ngọt, hãng Acecook của Nhật Bản sản xuất mì gói là hai sản phẩm được người Việt Nam tiêu thụ rất nhiều. Cả hai hãng này gần đây đã đến làm việc với chúng tôi và nói rằng trên thị trường ngày càng nhiều bột ngọt cũng như mì tôm làm giả, thậm chí làm giả từng gói gia vị trong gói mì”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết.
Đến những thương hiệu của Tập đoàn Procter & Gamble như mỹ phẩm, sữa tắm, xà phòng… cũng bị làm giả rất nhiều ở thị trường Việt Nam. “Ngay cả đồ chơi trẻ em của một hãng rất nổi tiếng thế giới là Lego của Đan Mạch trong tháng qua cũng đã làm việc với chúng tôi hai lần về việc bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại thị trường Việt Nam”, ông Linh nói thêm.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Tổng Cục QLTT đã kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan hàng giả và xử phạt gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, những vụ việc đó vẫn chưa minh họa hết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay. Ông Trần Hữu Linh lo ngại: thương hiệu bị làm giả, làm nhái thì nguy hiểm nhất là làm xói mòn sức sản xuất của doanh nghiệp khi phải cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái giá rẻ. Đối với các doanh nghiệp FDI, việc để hàng giả quá nhiều khiến các nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm đối với môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Tham gia tọa đàm, luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, cần có sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong thực thi chế tài xử lý vi phạm, bởi cơ quan quản lý thị trường cũng không thể “ba đầu sáu tay” làm tất cả được mọi việc.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập đề nghị các doanh nghiệp nên chủ động phát hiện hàng giả và phối hợp cơ quan chức năng |
Luật sư này cho rằng, các tập đoàn lớn của nước ngoài (sở hữu các thương hiệu nổi tiếng) luôn hợp tác với cơ quan nhà nước để bảo vệ thương hiệu nổi tiếng của họ, tạo ra cơ chế “hợp tác công - tư” trong thực thi pháp luật để giải quyết những vấn đề thiết thực, mà lợi ích này là của cả Nhà nước, người tiêu dùng và chính doanh nghiệp.
Còn với các tập đoàn của Việt Nam thì lâu nay cũng có quan hệ hợp tác, nhưng chưa tìm ra một cơ chế hợp tác. “Tôi không dám nói từ ỷ lại nhưng họ chỉ trông cậy một chiều, tức là khi có vụ việc thì khiếu nại đến các cơ quan chức năng”, luật sư Lập nói.
Theo luật sư, doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu thì chính doanh nghiệp phải chủ động, chứ không phải đợi cơ quan chức năng, còn người tiêu dùng muốn bảo vệ mình thì phải trông cậy vào các hiệp hội là những người đại diện cho mình, hoặc các luật sư, tạo thành một cơ chế hợp tác giữa tất cả các bên để giải quyết vấn nạn chung.