Thống kê sơ bộ cho thấy, những ngày gần đây, do nắng nóng, số người nhập viện điều trị tại các bệnh viện Bạch Mai, Hữu Nghị, Thanh Nhàn, Lão khoa, Nhi Trung ương... tăng mạnh. Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày có hơn 2.000 trẻ đến khám bệnh do sốc nhiệt. Tương tự, Khoa Khám bệnh Bệnh viện Hữu Nghị cũng tiếp nhận trung bình 1.200 bệnh nhân/ngày, chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp, sốt cao, tiêu chảy, viêm mũi họng, tai biến, huyết áp...
Theo bác sĩ, người dân nên súc miệng, sát trùng họng bằng nước muối thường xuyên vào buổi sáng, trưa và tối trước khi đi ngủ để sát khuẩn và giữ ẩm. Việc sử dụng máy điều hòa thường xuyên sẽ làm da, niêm mạc mũi bị khô, do đó cần nhỏ mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch nước biển sâu để làm sạch mũi, tránh hơi lạnh lọt vào đường hô hấp, gây viêm họng, viêm phổi. Trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ máy lạnh nên duy trì khoảng 26-28°C; chú ý không nên vào phòng đang mở máy lạnh ngay sau khi tắm hoặc khi cơ thể nhiều mồ hôi. Trước khi ra khỏi phòng, phải mở cửa và tắt máy lạnh khoảng 30 phút để nhiệt độ trong phòng và ngoài trời tương đối cân bằng, giúp cơ thể thích nghi với nhiệt độ thay đổi. Trong những ngày nắng nóng, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, hạn chế đường. Uống khoảng 2-3 lít nước/ngày, sáng sớm khi thức giấc nên uống một cốc nước lọc khoảng 250-300ml.
Theo các chuyên gia dự báo thời tiết, ngày 23-6, mưa gió sẽ gia tăng ở TPHCM, sau đó giảm, chỉ xuất hiện mưa dông cục bộ về chiều và đêm. Tới ngày 26-6, mưa dông sẽ gia tăng trở lại, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to.
Còn ở miền Bắc và miền Trung, nhiều nơi nắng nóng 39°C trong ngày 22-6 (tâm điểm là các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị). Ngày 23-6, nắng nóng gia tăng cường độ. Riêng Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ nắng nóng gay gắt, đặc biệt nóng gay gắt, nhiều nơi 41-42°C. Tới ngày 25-6, nắng nóng dịu dần.