Tài liệu gồm các hướng dẫn để bảo vệ và chăm sóc người lao động trước những rủi ro về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc, cảnh báo rằng các vấn đề tinh thần của người lao động gây tốn kém cho cá nhân và xã hội. WHO và ILO ước tính, mỗi năm thế giới mất khoảng 12 tỷ ngày làm việc do trầm cảm và lo lắng, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu gần 1.000 tỷ USD. Hồi tháng 6, WHO từng cảnh báo gần 1 tỷ người trên toàn cầu đang sống chung với chứng rối loạn tâm thần trước khi Covid-19 xảy ra và đại dịch đã khiến điều này trở nên tồi tệ hơn nhiều. WHO cho biết, người lớn trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng đặc biệt, với 1/6 trong số này mắc chứng rối loạn tâm thần tại bất kỳ thời điểm nào. Theo ông Manal Azzi, Trưởng nhóm ILO về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, những con số này thật đáng báo động. Ông thừa nhận: “ILO có trách nhiệm rất lớn trong việc xử lý vấn đề”.
Trong báo cáo mới nhất, WHO nhấn mạnh sức khỏe tinh thần cũng quan trọng không kém sức khỏe thể chất và cũng có thể gây suy nhược, ảnh hưởng đến hiệu suất và năng suất của người lao động. WHO liệt kê 13 hướng dẫn về cách đối phó với vấn đề sức khỏe tinh thần, trong đó công việc có ý nghĩa có thể bảo vệ sức khỏe tinh thần, mang lại cảm giác hoàn thành, tự tin và ổn định thu nhập. Tuy nhiên, điều kiện làm việc có hại hoặc tồi tệ, mối quan hệ làm việc kém và thất nghiệp có thể là nguyên nhân chính làm xấu đi sức khỏe tinh thần hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe tinh thần hiện có.
WHO chỉ ra rằng, môi trường tại nơi làm việc có thể làm gia tăng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, như phân biệt đối xử về giới tính, tuổi tác, dân tộc và khuyết tật. Các hướng dẫn mới bao gồm các biện pháp về tinh thần và hoạt động thể chất để kiểm soát căng thẳng của người lao động.
Nhưng có lẽ những vấn đề quan trọng nhất xoay quanh các biện pháp can thiệp của tổ chức quản lý người lao động để ngăn ngừa rủi ro đối với sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc. Các biện pháp bao gồm: khuyến nghị các nhà quản lý hướng dẫn người lao động các tiêu chuẩn an toàn với môi trường làm việc căng thẳng và sẵn sàng ứng phó với người lao động gặp vấn đề về tinh thần. Bà Aiysha Malik ở bộ phận sức khỏe tinh thần và sử dụng chất kích thích của WHO nhận định: Điều cần thiết là phải ngăn mọi người gặp rủi ro về tinh thần như: khối lượng công việc quá nặng, bị bắt nạt, mối quan hệ khó khăn với đồng nghiệp hoặc cấp trên. Theo bà, cần phải thay đổi, nếu không chúng ta sẽ tiếp tục gặp khó khăn với sức khỏe tinh thần của người lao động tại nơi làm việc, bất kể chúng ta áp dụng bao nhiêu công cụ quản lý căng thẳng.
Ngoài các hướng dẫn mới, WHO và ILO đã xuất bản một bản tóm tắt chính sách chung, đưa ra các chiến lược thiết thực cho các chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cũng như các tổ chức của họ để bảo vệ và tăng cường sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc. Hai tổ chức cũng đặt ra cách hỗ trợ những người có tình trạng sức khỏe tinh thần kém và giúp họ khắc phục.