Bảo vệ Sơn Trà từ góc nhìn sinh thái nhân văn và phát triển bền vững

 >> Kiến nghị xem xét lại Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sơn Trà

>> Đình chỉ việc xây dựng 40 biệt thự nghỉ dưỡng không phép trên bán đảo Sơn Trà

>> Khu biệt thự trên núi Sơn Trà (Đà Nẵng) có nhiều vi phạm

LTS: Nhiều ngày qua, trước thông tin một nhà đầu tư tiến hành bạt núi, xây dựng khu biệt thự nghỉ dưỡng ngay trên núi Sơn Trà. Mặc dù đây là khu vực đã được quy hoạch nhưng cũng gây ra nhiều dư luận trái nhiều, trong đó chủ yếu là không đồng tình cho việc xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng trên núi Sơn Trà vì việc làm này tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nơi đây. Sơn Trà không chỉ là "lá phổi xanh" của TP Đà Nẵng mà nơi đây còn là ngôi nhà của loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm.

Bán đảo Sơn Trà với hệ sinh thái đa dạng, phong phú

Về vấn đề này, PGS.TS. Võ Văn Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu – giảng dạy “Môi trường và Tài nguyên sinh vật” thuộc Đại học Đà Nẵng, có bài phân tích gửi SGGP Online. SGGP Online xin giới thiệu với bạn đọc.

"Sinh thái" không chỉ là màu xanh

Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, nhân loại đặc biệt quan tâm đến môi trường sống của loài người chúng ta. Nhiều thuật ngữ được xem là thân thiện với môi trường được nhắc đến, trong đó có thuật ngữ “sinh thái”. Nhiều ngành, nhiều hoạt động kinh tế được gắn cái đuôi “sinh thái” để có ý nghĩa tích cực như 1 thương hiệu thời thượng: Công nghiệp sinh thái, Đô thị/thành phố sinh thái, Nông nghiệp sinh thái, Du lịch sinh thái, Kinh tế sinh thái…

Khi hỏi sinh thái là gì, thì cách diễn giải chung nhất là tốt đối với môi trường. Thế nhưng, các hoạt động phát triển gắn tên “sinh thái” khi tra thực tế với cái nghĩa chung nhất đó cũng thường không được như mong đợi, chứ chưa bàn đến cái triết lý sâu xa của từ “sinh thái”.

Chúng ta biết, Sinh thái học (Ecology) là ngành khoa học ra đời muộn (chưa đầy 2 thế kỷ), nhưng được phát triển nhanh chóng bởi vai trò thiết thực của chúng. Sinh thái học nghiên cứu mối quan hệ giữa sinh vật với sinh vật và giữa sinh vật với môi trường sống xung quanh. Tùy theo mức độ nghiên cứu mà phân ra thành các phân môn như sinh thái học quần thể, sinh thái học quần xã, sinh thái học hệ sinh thái,… Với mục tiêu nghiên cứu  các quy luật phân bố, sinh sống của sinh vật dựa vào các mối quan hệ qua lại mà Sinh thái học đã giải thích được rất nhiều hiện tượng tiến hóa cũng như vận dụng các quy luật sinh thái vào sản xuất, bảo vệ thiên nhiên - môi trường, phòng ngừa dịch bệnh…

Về khía cạnh sinh thái học, tất cả các sinh vật trong hệ sinh thái đều có quan hệ mật thiết với nhau và với môi trường sống xung quanh. Hệ sinh thái càng đa dạng thì các mối quan hệ càng phức tạp, chặt chẽ và thiết lập cân bằng, chính vì vậy nên rất bền vững và ổn định. Học tập các nguyên lý sinh thái, các mô hình phát triển  mới được đề xuất & triển khai ứng dụng được cho là đúng quy luật tự nhiên & đảm bảo cho sự phát triển bền vững như: đô thị sinh thái, công nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái… Với cách hiểu là hạn chế sự tác động từ bên ngoài, chủ yếu khai thác các mối quan hệ bên trong hệ như đầu ra của hoạt động này là đầu vào của hoạt động kia, tạo nên một thế cân bằng, ổn định bên trong.

Xuất phát từ lý thuyết “mối quan hệ”, “cân bằng”, “đa dạng”, “bền vững”, “tuần hoàn sinh địa hóa” của Sinh thái học, người ta muốn “bắt chước tự nhiên”  để phát triển kinh tế bền vững. Một cách tiếp cận hoàn toàn khoa học và rất trí tuệ, như một dấu mốc văn minh của nhân loại. Thế nhưng từ lý thuyết ấy đến thực tế, đã bị biến dạng rất nhiều. Nếu xây dựng một đô thị sinh thái, điều đầu tiên là phải hạn chế thấp nhất tác động làm thay đổi hiện trạng môi trường tại địa điểm đó. Thứ hai, cộng đồng bản địa ở đó cũng là một mắc xích cần xem xét bảo vệ, chứ không phải  di dời, giải tỏa; thứ ba, quy hoạch lại không gian đảm bảo các chức năng của môi trường và sự tuần hoàn trong hệ sinh thái,… Tương tự đối với khu công nghiệp sinh thái hay khu du lịch sinh thái.

Thế nhưng, những điều trên được xem là không thực tế với tình hình hiện nay. Vấn đề này có thể là do thiếu hiểu biết hoặc do lợi dụng sự thiếu hiểu biết.
 
Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) không chỉ là thủ tục pháp lý

Một dự án muốn được thực hiện, cần phải được phê duyệt ĐTM. ĐTM một dự án là báo cáo được chủ đầu tư thực hiện thường thông qua 1 đơn vị tư vấn. Thực chất là đánh giá hiện trạng môi trường, dự báo các tác động tiêu cực diễn ra khi có dự án, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động. Đây là 1 công cụ kỹ thuật trong quản lý rất có hiệu quả được nhiều nước và tổ chức quốc tế áp dụng.

Trong thực tế, ở Việt Nam đến giờ này ĐTM cũng chỉ là 1 thủ tục có tính chất pháp lý. Ngay cả nhà quản lý vẫn hiểu như vậy. Có lần, tại hội đồng nọ, sau khi nhiều ý kiến phản đối nội dung báo cáo ĐTM sơ sài, thiếu chính xác,…chủ tịch hội đồng nhắc nhở: “báo cáo cũng chỉ là báo cáo, đánh giá kỹ để làm gì, vì sau khi được phê duyệt chủ đầu tư mới thiết kế công nghệ!”. Đấy là đối với các dự án thông thường, còn các dự án có tác động đến hệ sinh thái, thì hầu như chỉ đề cập qua loa ở chương hiện trạng,…phần tác động cũng như biện pháp giảm thiểu thường được diễn giải kiểu “có tác động không đáng kể” và đề xuất các “giải pháp phục hồi sinh thái”.

Cần khẳng định rằng, tác động hệ sinh thái không đơn giản như vượt tiêu chuẩn hay dưới ngưỡng cho phép; xử lý, khắc phục, phòng ngừa là xong! Như đã đề cập ở trên, mỗi khi một mắc xích nào đó của hệ sinh thái bị phá vỡ sẽ ảnh hưởng đến mắc xích khác; tác động trên cạn ảnh hưởng đến dưới nước, tác động trong bờ ảnh hưởng đến vùng khơi… phục hồi hệ sinh thái mất cả chục năm đến trăm năm chứ không chỉ là tầm nhìn mươi năm như chiến lược, kế hoạch của chúng ta.

Cần bảo vệ hệ sinh thái Sơn Trà 

 Bán đảo Sơn Trà là 1 hệ sinh thái đặc thù. Đây là 1 hệ sinh thái đa dạng, nằm ở vị trí đặc biệt – biệt lập với các hệ sinh thái trên cạn khác; giao thoa khí hậu 2 miền, bao bọc bởi biển và hệ sinh thái đô thị. Vì đặc biệt, nên cũng rất mong manh, nếu bị tác động khó phục hồi… Tuy nhiên, xét ở khía cạnh sinh thái nhân văn thì cũng rất đặc biệt. Sinh thái nhân văn là khoa học nghiên cứu các mối quan hệ có hệ thống giữa xã hội loài người và môi trường thiên nhiên. Rõ ràng rằng, đi dọc từ Bắc vào Nam, chắc không còn được nơi đâu lưu giữ được hệ sinh thái tự nhiên như Sơn Trà. Điều đó cho thấy sự gắn bó, gìn giữ, yêu quý thiên nhiên của cộng đồng nơi đây. Theo tôi đây mới chính là sự quý-hiếm thực sự trong cái thời mà người ta đánh đổi thiên nhiên để lấy tiền.

Cộng đồng được và có quyền được hưởng lợi từ “giá trị” của hệ sinh thái Sơn Trà là ai? Đối tượng nào bị tổn thương khi Sơn Trà bị biến đổi sinh thái? Cộng đồng voọc chà vá rõ ràng là đối tượng nhiều người biết, nhiều người quan tâm, nhưng rất tiếc cộng đồng người bản địa chưa nghe, thấy được đề cập trong suốt một thời gian dài.
 
Ở góc nhìn về sinh thái nhân văn, tôi thực sự quan tâm đến mắc xích “đặc biệt” của hệ sinh thái đó là cộng đồng bản địa. Họ chính là những đối tượng dễ bị tổn thương không khác gì quần thể voọc chà vá chân nâu. Do vậy, cần đánh giá tác động xã hội cẩn thận chứ không hẳn chỉ quan tâm đến các tác động tự nhiên. 
 
 Đà Nẵng là địa phương có diện tích tự nhiên nhỏ, mục tiêu tăng dân số, phát triển dịch vụ, du lịch… mãi dựa vào tài nguyên đất thì thực sự không bền vững. Thiết nghĩ, lãnh đạo Đà Nẵng nên chuyển dịch ngay và luôn bây giờ, đó là nên nhìn về biển, tài nguyên chất xám, tài nguyên văn hóa… Nếu tiếp tục đầu tư khai thác tài nguyên thiên nhiên và bất động sản thì Đà Nẵng sẽ sớm đánh mất thương hiệu của 20 năm xây dựng và gìn giữ.

Trở lại với hệ sinh thái tự nhiên Sơn Trà cả trên cạn lẫn dưới nước cần được quy hoạch bảo tồn nghiêm ngặt, chỉ được khai thác giá trị khoa học, giáo dục, đào tạo  văn hóa, tinh thần. Cần đối xử tử tế với thiên nhiên và văn hóa. Giá trị thương hiệu không đơn giản chỉ là tiền.

PGS.TS. Võ Văn Minh

Tin cùng chuyên mục