Từ năm 2011, Chính phủ Indonesia đã ban hành lệnh cấm phát quang rừng, nhưng lệnh này thường được gia hạn định kỳ. Với lệnh cấm mới, các bộ trưởng, thống đốc và giới chức địa phương không được cấp giấy phép mới cho hoạt động phát quang rừng trong khu vực được quy định ngừng, đồng thời tăng cường công tác quản lý rừng nguyên sinh và bãi than bùn.
Quyết định trên được ban hành sau khi Chính phủ Indonesia tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 6 tỉnh trên các đảo Sumatra và Borneo khi khói mù từ những đám cháy rừng gây các bệnh về hô hấp nghiêm trọng. Ô nhiễm không khí tại Palangkaraya, ở Trung Kalimantan trên đảo Borneo đang ngày càng tồi tệ hơn và buộc chính quyền tại đây hạn chế thời gian hoạt động của hàng loạt trường học. Trước tình trạng này, Tổng thống Indonesia Widodo lên tiếng cảnh báo sẽ sa thải các quan chức tham gia phòng cháy chữa cháy nếu như cháy rừng không được dập tắt. Ông đã đặt 4 nhiệm vụ cho chính phủ. Đầu tiên, ưu tiên phòng ngừa thông qua tuần tra và phát hiện sớm các điểm nóng. Thứ hai, xây dựng hệ sinh thái than bùn để tạo than bùn ẩm ướt và làm hồ chứa nước chịu hạn. Thứ ba, nếu có hỏa hoạn, ngay lập tức dập tắt trước khi đám cháy trở nên lớn. Thứ tư, nghiêm trị các hành vi cố ý gây cháy rừng.
Theo cảnh báo mới nhất từ Cơ quan Khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia, đỉnh điểm của hạn hán sẽ xảy ra vào tháng 8 đến tháng 9 năm nay với thời tiết khắc nghiệt hơn so với mùa khô năm 2018. Dựa trên dự báo của cơ quan này, từ tháng 7 đến tháng 10, dự kiến lượng mưa rất thấp. Do đó cần phải cảnh giác với các khu vực hiện đang có nguy cơ cháy rừng cao. Trong mùa khô năm nay, Indonesia ghi nhận số lượng kỷ lục các điểm cháy rừng kể từ sự cố cháy rừng diện rộng gây thiệt hại nghiêm trọng vào năm 2015, khiến quốc gia này phải đối mặt với áp lực từ cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt tình trạng đốt lửa để dọn dẹp đất đai. Tính từ đầu năm tới nay, Indonesia đã phát hiện 975 điểm cháy rừng, với 135.000ha rừng trên 18 tỉnh bị thiêu rụi. Theo khuyến cáo của giới chuyên gia khí hậu, cháy rừng vượt tầm kiểm soát ở Indonesia không những là một nhân tố gây nên quá trình nóng lên toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân mà còn đang phá hủy nhanh chóng môi trường sống quan trọng của các loài động vật quý hiếm như đười ươi và báo gấm trong rừng nguyên sinh.
Tình trạng cháy rừng thường xuyên diễn ra trong mùa khô ở Indonesia do các nông dân thường đốt lửa để dọn dẹp lấy đất trồng trọt. Ngoài việc gây cháy rừng trên diện rộng, những đám cháy này có thể vượt kiểm soát, bùng phát thành các đám cháy lớn làm khói lan tỏa mạnh và gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí ở 2 quốc gia láng giềng Singapore và Malaysia. Ngoài ý kiến cho rằng lỗi phần lớn thuộc về người dân, một số khác cho rằng cần quy trách nhiệm cho các công ty trồng rừng vì hầu hết đám cháy đều nằm trong vùng kiểm soát của những đơn vị này. Họ quá cẩu thả trong việc đặt tháp giám sát cháy rừng cũng như chuẩn bị thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy. Chính phủ cần phải tăng cường rà soát và kiểm tra giấy phép hoạt động của các công ty trồng rừng tại một số địa phương trong thời gian tới.