“Kho báu” vô giá
Giữa cái nắng nóng như đổ lửa ở Bắc miền Trung, khu rừng tự nhiên và rừng sản xuất ở tiểu khu 51 (thôn Khe Năm) vẫn mát mẻ, dễ chịu nhờ bạt ngàn cây cổ thụ xếp tầng tầng, lớp lớp.
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Trần Ngọc Lâm giới thiệu: Năm 1981, ông nhập ngũ tại Sư đoàn 441, Quân khu 4; còn bà Đào làm công nhân ươm cây giống tại Lâm trường Hương Sơn. Sau khi rời quân ngũ, ông về địa phương cùng vợ phát triển sản xuất, chăm sóc các con.
Do nhà ở gần rừng nên năm 1991, vợ chồng ông quyết định nhận từ Nhà nước 27ha rừng ở tiểu khu 51 để quản lý, bảo vệ, trồng dặm, chăm sóc. Thời điểm này, phần lớn diện tích rừng trong tình trạng nghèo kiệt và bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình khai thác ồ ạt trước đó.
Nhờ được bảo vệ tốt, đến nay, trong rừng đã có vô số loại cây gỗ lớn nhỏ, cổ thụ khác nhau, như: lim xanh, lim đỏ, da, dẻ, ràng ràng, cà ổi, trám, chua, dổi, kiền kiền, cồng, trường, ngát, táu, de… Đặc biệt, trong số khoảng 400 cây lim xanh và lim đỏ tự nhiên cổ thụ, có khoảng 150 cây từ 70 đến trên 200 năm tuổi, đường kính gốc từ 70cm đến 1m, chiều cao 20-30m.
Hơn 30 năm nay, bên cạnh quản lý, bảo vệ rừng, vợ chồng ông Lâm đã trồng dặm thành công thêm hàng chục ngàn cây con bản địa các loại, trong đó riêng lim có 1.000 cây, cồng và ràng ràng 5.000 cây, 7.000 cây de, 1 vạn cây sa nhân…
Ông Trần Ngọc Lâm bên một cây lim xanh cổ thụ trên 100 năm tuổi |
“Cứ nơi nào đất rừng còn trống là chúng tôi lại đưa cây con lên trồng dặm, chăm sóc. Nhờ thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi nên tỷ lệ cây bản địa trồng dặm sống đạt 70%, đến nay rừng ngày càng phát triển xanh tốt, bền vững và được tôi xem như “kho báu” vô giá. Chúng tôi tiếp tục phấn đấu mỗi năm trồng dặm thêm khoảng 2.000 cây bản địa mới nữa”, ông Lâm đặt mục tiêu.
Rừng là nhà...
Vợ chồng ông Lâm thường ví von “rừng là nhà, nhà là khách sạn”, bởi hàng chục năm nay, hầu như ngày nào, dù nắng hay mưa là hai vợ chồng đều lặng lẽ đi kiểm tra, bảo vệ rừng, vừa ngăn chặn không cho người chặt phá, vừa để chăm sóc, trồng dặm phát triển và làm giàu giá trị của rừng.
Theo ông Lâm, rừng ở đây độ dốc lớn, rộng, rậm rạp, việc đi kiểm tra, bảo vệ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có lúc đối mặt nguy hiểm, nhưng chưa bao giờ vợ chồng ông có ý nghĩ bỏ cuộc. Đặc biệt là mùa nắng nóng, nhiều người vào rừng lấy mật ong, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy cao nên phải thường xuyên có mặt để “canh lửa”, nhắc nhở, tuyên truyền mọi người đề cao cảnh giác…
Để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được giao có hiệu quả hơn, từ năm 2014 đến nay, ông Lâm đã tham gia cùng 23 hộ dân khác ở xã Sơn Kim 1 thành lập Chi hội bảo vệ rừng bền vững, phối hợp lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thay phiên nhau đi tuần tra, canh gác rừng, hỗ trợ xử lý lâm tặc khai thác gỗ trái phép.
Ông Trần Ngọc Lâm (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) bên một cây Lim xanh cổ thụ. Ảnh: DƯƠNG QUANG |
Ngoài đi tuần tra rừng của mình quản lý, mỗi tuần ông còn dành một ngày cùng lực lượng chức năng kiểm tra rừng theo đường biên với tổng diện tích khoảng 90ha, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả trồng dặm cây bản địa để tăng độ che phủ của rừng...
Ông Phan Hữu Duẩn, Trưởng thôn Khe Năm, cho biết: “Nhờ có rừng nên cuộc sống của người dân ngày càng phát triển, thay đổi diện mạo rõ ràng, mang lại nguồn thu nhập kinh tế nhờ tận thu các sản phẩm phụ dưới tán rừng như mật ong, các cây dược liệu, hèo mây, chuối rừng…”.
Còn theo Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 Hoàng Văn Thư, những việc làm của gia đình ông Trần Ngọc Lâm đã góp phần tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, có nhiều hộ dân ở thôn Khe Năm đã học tập, nhân rộng và mong muốn được nhận thêm rừng để quản lý, bảo vệ, qua đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường rừng trên địa bàn.