Tuy nhiên hàng năm, nhất là vào cao điểm nắng nóng, lễ tết cần dự trữ nhiều hàng hóa lại là dịp để xảy ra những sự việc đáng tiếc nhiều nhất.
Khoảng 20 giờ ngày 24-10, khu nhà xưởng của một công ty gỗ tại phường Tân Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, bốc cháy dữ dội sau tiếng nổ lớn. Những người có mặt tại hiện trường đã dùng các phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa nhưng bất thành. Lực lượng Cảnh sát PCCC tuy đã điều động nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến dập lửa… nhưng đám cháy đã thiêu rụi khu nhà xưởng chứa nhiều nguyên vật liệu, hàng hóa rộng hàng trăm mét vuông, gây thiệt hại đến nay vẫn chưa ước tính được.
Vào tối 25-7, một đám cháy lớn bùng lên từ nhà máy nhựa, sau đó lan sang khu vực chợ Gạo (phường An Tảo, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên). Toàn bộ khu chợ rộng cả ngàn mét vuông bị đổ sập gần như hoàn toàn. Nhiều hàng hóa của tiểu thương cháy rụi, lâm vào cảnh trắng tay.
Trước đó, có đám cháy bùng phát tại kho chứa giấy tái chế của Công ty TNHH SX - TM Mai Hoàng Vũ (số 319 Đào Trí, phường Phú Thuận, quận 7, TPHCM). Vào thời điểm xảy ra cháy, tại kho không có công nhân làm việc, chỉ có bảo vệ kho. Phát hiện cháy, nhân viên bảo vệ đã dùng bình chữa cháy mini dập lửa nhưng do kho chứa toàn giấy nên đám cháy lan nhanh. Cảnh sát PCCC TPHCM đã huy động lực lượng cảnh sát PCCC các quận huyện: 2, 7, Nhà Bè cùng lực lượng cứu hộ cứu nạn với hàng chục phương đến hiện trường dập tắt lửa sau hơn 1 giờ, kịp thời bảo vệ 830/1.200m² nhà xưởng.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn cả nước gần như mỗi tháng đều xảy ra những vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng khiến nhiều cơ quan, doanh nghiệp và người dân lâm vào đường cùng. Tuy các vụ cháy nhà kho, nhà xưởng không gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại về kinh tế rất lớn vì nơi đây vừa là nơi chứa hàng vừa là nơi sản xuất. Điều khiến người dân lo lắng là đa phần các nhà kho, nhà xưởng đều nằm trong khu dân cư.
Thời gian từ nay đến giáp Tết Nguyên đán tới, các địa điểm này thường tập kết hàng hóa rất nhiều phục vụ cho đợt cao điểm mua sắm của người dân. Cùng với việc tập trung sản xuất, cung cứng hàng hóa cho thị trường thì nguy cơ cháy nổ cũng tăng theo do nhu cầu sử dụng điện, nguyên - nhiên liệu, hoạt động của máy móc - dây chuyền công nghệ… đều tăng.
Để tích cực phòng ngừa cháy nổ tại các cơ sở sản xuất, kho hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07), Công an TPHCM, khuyến cáo chủ các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức PCCC tại các nhà kho, phân xưởng, nhất là vào thời điểm cuối năm. Tại những khu vực này, thường phát sinh cháy nhất là do chập điện nên nguồn điện phải tuyệt đối an toàn. Chủ doanh nghiệp cần lắp đặt hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện phải đảm bảo đúng quy định, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; lắp thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện trong nhà xưởng, kho hàng và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn. Không nên để hàng hóa dễ cháy gần nguồn điện, nguồn nhiệt, ổ cắm, cầu dao. Thường xuyên kiểm tra hệ thống công nghệ, thiết bị, dây chuyền sản xuất, hệ thống điện để phát hiện kịp thời những yếu tố mất an toàn và có biện pháp khắc phục. Cấm hàn, cắt kim loại hoặc làm những việc phát sinh tia lửa, tia nhiệt gần khu vực nhà kho, nhà xưởng sản xuất.
Ngoài ra, theo PC07, việc thờ cúng, hút thuốc bên trong nhà kho, xưởng sản xuất cần tuyệt đối nghiêm cấm… Không cơi nới, thay đổi công năng sử dụng của nhà kho, xưởng sản xuất; không chứa hóa chất nguy hiểm trong các khu vực này. Hàng hóa chứa trong kho, nhà xưởng phải được phân loại, sắp xếp riêng biệt đúng quy định. Chủ động trong công tác phòng cháy sẽ hạn chế được thiệt hại về tài sản khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC cho tiểu thương; đội PCCC cơ sở phải thường xuyên thực tập để nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy nổ tại chỗ. Đồng thời gọi số 114 báo cháy khi có sự cố cháy nổ xảy ra.