Thời gian qua, không ít chuyện bi hài xảy ra do NTD mua bán hàng hóa, dịch vụ qua các sàn giao dịch điện tử. Rất nhiều hàng hóa có “khuyết tật” của nước ngoài tràn vào Việt Nam.
Tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, nội dung phản cảm trên nền tảng xuyên biên giới, chủ yếu qua YouTube, Facebook, đang nở rộ, khiến nhiều người tiêu dùng tin và giao dịch, nhiều trường hợp tiền mất tật mang, nhưng chậm được chấn chỉnh.
Bộ TT-TT vừa gỡ được 2.000 quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng, phản cảm trên mạng. Tình trạng mua bán trên không gian mạng phát triển tự do, nhiều lỗ hổng, nảy sinh các hành vi vi phạm mà bản thân cơ quan quản lý cũng khó xử lý.
Quyền lợi NTD bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều người bị chiếm đoạt, bị lừa đảo thông qua các nhóm bán hàng đa cấp, nhưng các quy định để quản lý, chế tài để xử phạt tại dự án Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) mà Quốc hội thảo luận chiều 10-11, theo các đại biểu, vẫn chưa đủ mạnh.
Vấn đề hóc búa nhất liên quan đến bán hàng online; kiểm soát các cửa hàng “ảo” trên mạng vô cùng khó khăn, nhất là với thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc trị bệnh… nhưng dự thảo luật chưa đưa ra những giải pháp và chế tài đủ sức răn đe.
Để khắc phục khoảng trống trong pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD mua hàng qua mạng, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung về các hành vi vi phạm quyền lợi NTD có thể nảy sinh trong điều kiện chuyển đổi số; bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi NTD trong các giao dịch đặc thù. Các chế tài phải sức răn đe, giáo dục đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền lợi NTD trên mạng.
Đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) rất có lý khi cho rằng, dự thảo luật quy định bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp, nhưng quy định này là chưa chính xác. Vì hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh có thể được thực hiện trực tiếp hoặc trên không gian mạng, do đó cần phải xem xét lại quy định này.