Bảo vệ người tiêu dùng khi hội nhập thương mại điện tử quốc tế

Hội nhập thương mại điện tử giúp người Việt dễ dàng mua bán xuyên biên giới, nhưng đi kèm với đó là thách thức trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Dù khung pháp lý đã có những bước tiến, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện để đảm bảo minh bạch và công bằng trong giao dịch số.

Các khách mời tham dự tọa đàm ngày 27-3
Các khách mời tham dự tọa đàm ngày 27-3

Ngày 27-3 tại Hà Nội, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công thương) đã phối hợp cùng Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh hội nhập thương mại điện tử quốc tế. Đồng thời, các bên đã cùng ký kết một bản ghi nhớ hợp tác về vấn đề này.

IMG_7907.jpeg
Ông Iain Frew, Đại sứ Anh tại Việt Nam tham gia cuộc tọa đàm ngày 27-3. Ảnh: NGHIÊM LAN

Thách thức trong thương mại điện tử

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, nhận định rằng tình trạng vi phạm trong thương mại điện tử xuất phát từ cả hai phía. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân bán hàng vì lợi nhuận mà sẵn sàng đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, thậm chí vi phạm an toàn thực phẩm hoặc sở hữu trí tuệ.

Trong khi đó, không ít người tiêu dùng thiếu kiến thức cần thiết để phân biệt hàng hóa, không kiểm tra kỹ thông tin trước khi mua hoặc dễ dàng bị thu hút bởi các chiêu trò tiếp thị, khuyến mãi ảo.

“Chính sự thiếu hiểu biết hoặc chủ quan này đã vô tình tạo điều kiện cho những đối tượng kinh doanh không minh bạch trục lợi, dẫn đến thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng”, ông Vũ Văn Trung nêu ý kiến.

IMG_7909.jpeg
Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (bìa trái) phản ánh thực trạng thương mại điện tử

Đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng chia sẻ, trong nhiều trường hợp, khi gặp vấn đề, người tiêu dùng không biết cách khiếu nại hoặc không đủ công cụ để đòi quyền lợi, khiến tình trạng vi phạm ngày càng phổ biến. Việc giao dịch trên nền tảng số cũng khiến quá trình xử lý tranh chấp trở nên phức tạp hơn, nhất là với các giao dịch xuyên biên giới.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, cho biết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực từ 1-7-2024. Năm 2025, chủ đề “Thông tin minh bạch - tiêu dùng trách nhiệm” đã được lựa chọn cho Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Luật mới đã đưa ra những quy định cụ thể về nghĩa vụ của các bên trong tiêu dùng trực tuyến. Sàn thương mại điện tử phải công khai đầu mối xử lý khiếu nại, cung cấp thông tin minh bạch về sản phẩm, danh tính người bán và bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng. Đặc biệt, luật cũng đặt ra trách nhiệm mới cho những người có tầm ảnh hưởng khi quảng cáo sản phẩm.

“Những người có tầm ảnh hưởng có thể có hàng triệu người theo dõi. Khi họ quảng cáo sản phẩm, họ phải chịu trách nhiệm với những gì họ giới thiệu. Đây là một quy định mới và phù hợp với thực tế kinh doanh hiện nay”, bà Nguyễn Quỳnh Anh phát biểu.

Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ Vương quốc Anh

Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Iain Frew, chia sẻ tại tọa đàm rằng, người tiêu dùng Anh chi khoảng 90 tỷ bảng Anh mỗi tháng vì họ biết quyền lợi của mình được bảo vệ. Luật Bảo vệ người tiêu dùng của Anh từ năm 2015 đã có các điều khoản riêng cho giao dịch trực tuyến, giúp thiết lập một hệ thống quy định toàn diện.

IMG_7911.jpeg
Ông Iain Frew, Đại sứ Anh tại Việt Nam phát biểu tại tọa đàm ngày 27-3

Theo ông Iain Frew, không chỉ cần có luật, mà hệ thống pháp luật cũng phải được rà soát và cập nhật liên tục để theo kịp sự thay đổi của thương mại điện tử.

Thông qua bản ghi nhớ hợp tác với Việt Nam, Vương quốc Anh sẽ chia sẻ kinh nghiệm về an toàn sản phẩm, xử lý khiếu nại, thu hồi hàng hóa và đánh giá rủi ro trong thị trường tiêu dùng. Ông Iain Frew kỳ vọng điều này sẽ góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thúc đẩy lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

IMG_7913.jpeg
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chia sẻ tại tọa đàm

Bà Nguyễn Quỳnh Anh thừa nhận, thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao để cơ quan quản lý nghe được tiếng nói của người tiêu dùng, từ đó có biện pháp bảo vệ hiệu quả hơn.

“Chúng tôi rất trông đợi vào hợp tác với Vương quốc Anh để học hỏi kinh nghiệm trong việc thu thập thông tin, giao tiếp với người tiêu dùng. Những kinh nghiệm của Anh sẽ giúp ích rất nhiều cho Việt Nam trong thực tiễn quản lý thương mại điện tử”, bà nói.

Tin cùng chuyên mục