Bảo vệ người lao động hiệu quả, căn cơ hơn

Tại nhiều cuộc tiếp xúc giữa đại biểu dân cử và cử tri ở các địa phương, một vấn đề được nhiều cử tri lưu ý đề cập là cần quan tâm hơn, thực thi hiệu quả hơn việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động. Đó là một yêu cầu bức thiết vì thực tế đã bộc lộ tình trạng bất cập về hành lang pháp lý, về tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động trong tình hình mới. 

Thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), trong 10 năm qua, tổ chức công đoàn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tổ chức công đoàn, để công đoàn cơ sở thực sự là nền tảng, là bộ phận quan trọng trong hệ thống, trực tiếp thực hiện chức năng chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Thỏa ước lao động tập thể và thực hành đối thoại đã được công đoàn cơ sở sử dụng làm công cụ quan trọng, mạnh mẽ để thực hiện. Những kết quả đạt được đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó, quan tâm sâu sắc, hết lòng chăm lo vì lợi ích của đông đảo công đoàn viên và người lao động. Song, trước yêu cầu đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh thời cơ thuận lợi, tổ chức công đoàn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. 

Đang có nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác phát triển tổ chức công đoàn khối doanh nghiệp, nhất là đơn vị ngoài nhà nước. Ở một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động không tạo điều kiện cho công đoàn cơ sở hoạt động; công đoàn cơ sở không bảo vệ được công đoàn viên, người lao động. Mặc dù hành lang pháp lý đối với việc sử dụng lao động đã được ban hành tương đối đầy đủ, nhưng trên thực tế, phần lớn người sử dụng lao động cũng như người lao động chưa hiểu hết hoặc chưa nắm hết những quy định của pháp luật đối với lao động. Cho nên có nhiều trường hợp không ký kết hợp đồng lao động theo quy định; doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; có không ít lao động nữ bị phân biệt đối xử, bị quấy rối tình dục, thậm chí bị lạm dụng. Có tình trạng chính quyền nhiều nơi thờ ơ, đùn đẩy, khoán trắng trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động cho Liên đoàn Lao động, Phòng LĐTB-XH. 

Chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động là nhiệm vụ vô cùng quan trọng để phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện an sinh xã hội và mục tiêu dân giàu nước mạnh. Do vậy, cần nhận thức sâu sắc và có các giải pháp đột phá để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này. Nhiều việc đã và đang được thực hiện: chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động hiệu quả trong bối cảnh mới; luật hóa để chế tài những hành vi vi phạm quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động; có nhiều giải pháp chăm lo, đảm bảo đời sống và việc làm của người lao động... Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động, đòi hỏi phải có một nhận thức đúng từ người sử dụng lao động. Điều đó chỉ có được khi cán bộ công đoàn có năng lực, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc các chế độ, chính sách theo luật pháp quy định, khéo léo vận dụng đối thoại để đi đến thống nhất giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động và lợi ích của doanh nghiệp. 

Không chỉ chăm lo đảm bảo đời sống và việc làm cho người lao động, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động, còn cần sự vào cuộc đầy trách nhiệm của nhiều ngành, cơ quan chức năng liên quan. Cụ thể, cơ quan Bảo hiểm xã hội cần nâng cao năng lực công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành để kéo giảm tình trạng người sử dụng lao động chiếm dụng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, hoàn chỉnh hồ sơ chuyển sang cơ quan công an để điều tra và xử lý pháp luật. Rất cần sự chú trọng thực thi đúng pháp luật của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động. 

Cùng với việc nghiêm túc xử lý pháp luật hành vi của người sử dụng lao động vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội 2014, để bảo vệ lao động nữ, cần xử lý nghiêm hành vi quấy rối tình dục, vì đây là một tệ nạn đã diễn ra đến mức báo động. Bộ luật Lao động năm 2012 có 4 điều đề cập đến quấy rối tình dục, nhưng lại chưa quy định cụ thể về khái niệm, biểu hiện của hành vi này và chế tài cụ thể để áp dụng khi phát hiện có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Vì vây, để có thể áp dụng các quy định của Bộ luật Lao động về hành vi quấy rối tình dục, cần sớm có nghị định hướng dẫn thực thi luật. Một vấn đề khác cần phát huy đầy đủ chức trách của chính quyền địa phương: bảo vệ người lao động là những phụ nữ, trẻ em lao động giúp việc nhà. Đại đa số người lao động giúp việc nhà không được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội. Trình độ học vấn thấp là trở ngại đầu tiên khiến người lao động giúp việc nhà gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin pháp luật, khi đến làm việc đã không ký hợp đồng lao động, nên không có cơ sở để đòi quyền lợi.

Tin cùng chuyên mục