Ma trận tem chống hàng giả
Trước sự phát triển của công nghệ và mạng internet, việc mua nhanh, bán nhanh đã không còn xa lạ. Theo đó, chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “mua tem chống hàng giả”, người dùng sẽ thấy hàng chục ngàn kết quả tìm kiếm, trong đó phổ biến nhất là các shop bán “tem chống hàng giả” trên các trang mạng xã hội. Các công ty này hoạt động công khai trên mạng, người mua chẳng khó khăn gì để có được một mẫu tem cho sản phẩm của mình.
Tem chống hàng giả được rao bán trên chợ mạng |
Thực tế, việc buôn bán tem chống hàng giả công khai, theo đại diện Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, xuất phát từ việc có rất nhiều đơn vị được phép in tem chống hàng giả. Trong khi đó, việc quản lý in ấn lại chưa được chặt chẽ. Số lượng tem được in ra bao nhiêu, sử dụng bao nhiêu không có cơ quan nào thống kê, tổng hợp. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp đặt mua tem thông qua các công ty trung gian nên việc doanh nghiệp mua để dán vào sản phẩm nào cũng không thể quản lý được.
Theo các chuyên gia, điều đáng lo ngại là hàng giả đã có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường và lan rộng từ thành thị tới các vùng nông thôn, đe dọa quyền lợi của các doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng. Nói về thực trạng này, đại diện Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam cho biết, nếu như trước đây, tem chống hàng giả được coi là giải pháp hữu hiệu để phân biệt thật giả thì vài năm trở lại đây với sự phát triển của công nghệ, việc làm giả tem chống hàng giả khá dễ dàng.
Đưa công nghệ vào chống hàng giả
Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái gia tăng, trong khi các chế tài xử lý vi phạm, kinh doanh hàng giả, hàng nhái chưa đủ sức răn đe, để tự bảo vệ mình và người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ số nhằm chống hàng giả tốt hơn. “Thực tế, kỹ năng làm giả ngày càng tinh vi. Mình muốn chắc chắn sản phẩm không bị làm nhái cần một kỹ thuật hiện đại, giúp khách hàng có thể truy vết được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, tạo sự tin tưởng cho khách hàng”- bà Phùng Thị Dương, Giám đốc Công ty TNHH Sao Phương Nam, chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Như Ý, Giám đốc điều hành Công ty CP VitaOrga, các phương pháp như tem chống hàng giả, mã QR, mã vạch… đến nay không còn nhiều hiệu quả, nhiều sản phẩm mỹ phẩm cho phụ nữ dùng các công nghệ này để đánh tráo hàng thật với hàng giả. Do đó, VitaOrga sử dụng công nghệ gắn chip trên sản phẩm - ghi lại dữ liệu của sản phẩm từ vùng nguyên liệu, nơi sản xuất đến khi tới tay người tiêu dùng. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp ở TPHCM sử dụng tem gắn chip để chống giả. Với phương pháp này, người tiêu dùng không tốn khoản chi phí nào, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh chụp hình, quét sản phẩm sẽ nhận được thông tin nhanh chóng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ngoài dùng công nghệ chống hàng giả, ý thức tiêu dùng của người dân là rất quan trọng. Theo đó, người tiêu dùng cần lựa chọn những kênh mua sắm uy tín như siêu thị, đại lý độc quyền… để tránh mua phải hàng giả. Song song đó, nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái cần liên hệ Hội Bảo vệ người tiêu dùng hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền để được bảo vệ.
Gia tăng giả mạo nhãn hiệu thực phẩm
Nếu như trước đây, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu chủ yếu tập trung ở các thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm… thì hiện nay, tình trạng giả mạo nhãn hiệu còn diễn ra phổ biến ở lĩnh vực thực phẩm. Đáng lo ngại là các sản phẩm giả mạo này chưa được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng, mức độ an toàn thực phẩm, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Dù chưa có số liệu đầy đủ, song từ giữa năm 2022 tới nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã liên tiếp phát hiện, thu giữ số lượng lớn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu thực phẩm. Điển hình là liên tiếp tại các tỉnh ĐBSCL, lực lượng quản lý thị trường thông qua phản ánh của Công ty CP SX-TM-DV Trí Hải đã kiểm tra và bắt giữ hàng ngàn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu của doanh nghiệp này. Mới đây nhất, vào đầu tháng 1 vừa qua tại TP Cần Thơ đã phát hiện một hộ kinh doanh làm giả nhãn hiệu bao bì cà phê của cơ sở sản xuất cà phê Tuấn Kiệt (địa chỉ tại TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng).
Theo luật sư Phạm Ngọc Hưng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Phạm Hưng, hoạt động giả mạo hàng hóa, nhãn hiệu sản phẩm đang có xu hướng gia tăng và hoạt động ngày càng tinh vi. Những sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc sản gắn liền với chỉ dẫn địa lý của các địa phương là những đối tượng dễ bị xâm hại thương hiệu nhất, như cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc hay gần đây là mắm Trí Hải. Luật sư Phạm Ngọc Hưng cho rằng, việc chống hàng giả là một quá trình dài, nên chủ sở hữu quyền thương hiệu cần kiên trì và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi vi phạm.
KHA LY