Bảo vệ người dễ bị tổn thương

Để giảm thiểu nguy cơ giá lương thực tăng, Chính phủ Indonesia thông báo sẽ cung cấp thêm tiền mặt cho hàng chục triệu hộ gia đình trong khoảng thời gian từ 1-3 tháng. Đây là một trong những nỗ lực duy trì ổn định cho sự tăng trưởng của Indonesia trước khi đất nước này bước vào cuộc tổng tuyển cử năm nay.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto, Chính phủ Indonesia đã phân bổ khoảng 11,25 ngàn tỷ rupiah (711,8 triệu USD) cho chương trình và số tiền này sẽ được trao cho 18,8 triệu hộ gia đình. Mỗi gia đình sẽ nhận được 200.000 rupiah (12,65 USD)/tháng.

Trước đó, chính phủ đã cung cấp khoản hỗ trợ tiền mặt cho hàng triệu hộ gia đình, trị giá 400.000 rupiah (25,28 USD)/gia đình, trong tháng 11 và 12-2023. Ngoài hỗ trợ tiền mặt, tháng 11-2023, Chính phủ Indonesia đã gia hạn thêm 6 tháng (kéo dài đến tháng 6 năm 2024), chương trình cung cấp 10kg gạo hàng tháng cho 22 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp để giúp họ đối phó với tình trạng khó khăn do giá của mặt hàng thiết yếu tăng cao.

8a-6788.jpg
Gạo chính phủ hỗ trợ để phân phát cho dân tại nhà kho Bulog ở Indramayu, Tây Java. Ảnh: ANTARA

El Nino làm gián đoạn sản xuất lương thực, đẩy lạm phát lương thực lên cao, đặc biệt là giá gạo. Chính phủ Indonesia đã phản ứng bằng các chính sách bình ổn giá cả và trợ giúp xã hội để bảo vệ sức mua của người nghèo và người dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, theo ông Mohammad Faisal, nhà kinh tế học tại Trung tâm

Cải cách kinh tế địa phương, thời điểm thực hiện chương trình không phù hợp vì nguồn cung lương thực, đặc biệt là gạo, sẽ đủ cho thời kỳ thu hoạch sắp tới và nguy cơ giá lương thực tăng sẽ thấp hơn sau tháng 1 vì Indonesia sẽ sớm bước vào mùa thu hoạch. Mặc dù vụ thu hoạch lúa thường bắt đầu vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4, nhưng vẫn có ý kiến lo ngại sẽ bị chậm trễ do ảnh hưởng kéo dài của hiện tượng thời tiết khô hạn El Nino năm ngoái.

Theo East Asia Forum, bất chấp suy thoái kinh tế do ảnh hưởng toàn cầu, chính quyền Tổng thống Joko Widodo vẫn cố gắng kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua các dự án và chính sách cơ sở hạ tầng, bao gồm quản lý lạm phát, thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số, thực hiện các chính sách tài chính và xã hội để hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương và doanh nghiệp nhỏ.

Năm 2023, Indonesia đã giữ thành công chức Chủ tịch ASEAN và đăng cai FIFA U-17 World Cup, giải FIFA đầu tiên được tổ chức ở Đông Nam Á. Indonesia cũng đã khai trương tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên 'Whoosh' nối Jakarta và Bandung, với kế hoạch mở rộng tới Surabaya.

Giống như các quốc gia khác, Indonesia đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế sau những tác động của đại dịch Covid-19. Ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Indonesia, chính quyền Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cũng đang thúc đẩy tiêu dùng trong nước với chính sách Ví kỹ thuật số với tổng trị giá 15 tỷ USD, dự kiến được triển khai vào tháng 5-2024.

Theo kế hoạch, tất cả người dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên sẽ nhận 10.000baht (270USD)/người thông qua ví kỹ thuật số, có thể được sử dụng để mua sắm. Mục tiêu chính là tăng khả năng chi tiêu của người có thu nhập thấp; đồng thời kích thích kinh tế địa phương và ngăn chặn sự tập trung chi tiêu quá mức ở khu vực thành thị. Chính phủ Thái Lan tin chính sách này sẽ tạo một “cơn sóng thần kinh tế” về tiêu dùng, mang lại lợi ích cho nhiều lĩnh vực.

Tin cùng chuyên mục