Trong bài phát biểu sau khi được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh sẽ phát huy tính chủ động, năng động sáng tạo ở các cấp; xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Trước đó, ngày 5-4, trong bài phát biểu sau khi được Quốc hội khóa XIV bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến nội dung này.
Tại Đại hội XIII của Đảng vừa qua, lần đầu tiên cơ chế “6 dám” để bảo vệ cán bộ đã được đề cập, trong đó, bên cạnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thì trong báo cáo Chính trị tại Đại hội, Đảng khuyến khích và sẽ có giải pháp để bảo vệ những cán bộ dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với những khó khăn, thử thách.
Còn tại hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 27-3, đồng chí Phạm Minh Chính, khi đó là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cũng đã nhắc đến vấn đề này với nhiều tâm huyết. Theo đồng chí, siết chặt kỷ luật, kỷ cương thì phải đi đôi với bảo vệ. Chúng ta siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhưng người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám nói, dám đấu tranh thì chưa có cơ chế minh bạch để bảo vệ.
Một lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đã từng chia sẻ rằng doanh nghiệp có những danh mục đầu tư được đánh giá là mang lại hiệu quả tốt, nhưng ban lãnh đạo cũng rất thận trọng trong việc rót vốn. Lý do là dù tổng thể danh mục đó mang lại lợi nhuận, nhưng nếu chỉ 1-2 dự án trong đó thua lỗ thì người lãnh đạo sẽ gặp “phiền phức” nhất định. Vì thế, có những thời điểm, doanh nghiệp bỏ qua cơ hội, không dám mạo hiểm ở những dự án mà nhìn về lâu dài, khoản đầu tư mang lại hiệu quả. Câu chuyện về dùng tiền ngân sách để đầu tư, kinh doanh luôn là bài toán không dễ với những người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, bên cạnh việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật, bịt kín các kẽ hở, nếu không có cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm ở người đứng đầu thì khó phát huy cao nhất hiệu quả đồng tiền ngân sách.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy cán bộ 6 “dám” thì hành lang pháp lý phải đầy đủ, kịp thời sửa đổi, bổ sung những bất cập. Tiếp đến là lựa chọn đúng cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức và bố trí đúng vị trí sở trường. Thúc đẩy trách nhiệm cá nhân cũng cần cơ chế để bảo vệ cán bộ sẵn sàng đi tiên phong, “vượt rào” đột phá vì lợi ích của Đảng, đất nước và nhân dân.
Thông điệp nêu trên được người đứng đầu Chính phủ đưa ra xuyên suốt ở hai lần phát biểu nhậm chức cho thấy sự quyết tâm của Thủ tướng trong việc thúc đẩy một Chính phủ hành động, sẵn sàng đương đầu với thử thách, khó khăn để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
HÀ MY