Thực tiễn cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí đã và đang diễn ra mạnh mẽ; kinh tế đất nước tiếp tục ổn định và phát triển; đời sống người dân ngày càng được nâng cao; độc lập tự do, chủ quyền quốc gia được bảo vệ vững chắc… là lời đáp trả mạnh mẽ, không thể phủ nhận về nền tảng tư tưởng, sự lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam.
những thành tựu rất quan trọng, đời sống người dân có nhiều thay đổi (ảnh: Một góc TPHCM). Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng thừa nhận: “Trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Đảng đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên...”. Đây là sự thật không ai có thể phủ nhận trong chặng đường gần 90 năm qua của Đảng. Nhìn nhận những sai lầm, khuyết điểm trong từng thời điểm, hoàn cảnh lịch sử; để khắc phục, tự đổi mới, làm tốt hơn những công việc, sứ mệnh, trọng trách mà đất nước, dân tộc giao phó là điều mà Đảng ta đã và đang làm. Trong đó, điển hình nhất là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII (tháng 1-2016) đến nay, hàng loạt vụ án lớn về tham nhũng, sai phạm trong điều hành kinh tế với hàng trăm quan chức cấp cao, từ những người từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, tướng lĩnh quân đội, công an, đến lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương… bị khởi tố điều tra, đem ra xét xử. Đó là vụ án Trịnh Xuân Thanh liên quan đến những sai phạm của Tập đoàn dầu khí Việt Nam; các dự án gói thầu liên quan đến Đinh Ngọc Hệ (Út trọc); vụ án “Tổ chức đánh bạc; đánh bạc...” xảy ra ở Phú Thọ; đại án Phạm Công Danh ở Ngân hàng Xây dựng; vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG; vụ cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) ở Đà Nẵng và TPHCM…
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tính từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 6-2019 đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý 61.392 tỷ đồng và 142ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính 692 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 46 vụ với 73 đối tượng. Riêng trong nửa đầu năm 2019, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 123 tổ chức đảng và 7.923 đảng viên vi phạm; trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 21 trường hợp so với cùng kỳ 2018). Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật đối với 1 tổ chức đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu.
Đó là những con số nói lên sự quyết tâm của Đảng, nhất là từ cấp cao nhất, đến sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, “mặt trận” được xem là “phức tạp và cam go nhất” để làm trong sạch bộ máy, xây dựng Đảng vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng và chế độ.
Rất nhiều lần, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tại phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (ngày 26-7-2019), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước một lần nữa nhấn mạnh: “Toàn Đảng, toàn dân quyết tâm. Không có chuyện dừng lại hay ngập ngừng. Mà cũng không thể ngừng lại được. Đây là yêu cầu của cách mạng, yêu cầu, tình cảm của nhân dân, mong muốn của Đảng ta. Phải khẳng định quyết tâm ấy. Còn trong chúng ta có ai dao động, ngập ngừng thì tự giác báo cáo, xin tự thôi đi! Phải quyết tâm như thế và truyền tinh thần này xuống dưới. Chúng ta ngồi đây trước hết phải mẫu mực để phòng chống tham nhũng. Nếu đồng chí nào dây vào thì phải chống tham nhũng ngay trong các đồng chí chống tham nhũng. Miễn là mình thật trung thực với Đảng, với nhân dân. Có thật lòng không? Làm vì nước, vì dân, thì không sợ!”.
"Thực tế lâu nay, chúng ta đã có nghiên cứu về hệ tư tưởng của Đảng ta, về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng vẫn chưa đủ mức và đúng tầm, nên còn tạo ra một số sự nghi ngờ, thậm chí là xuyên tạc về đường lối phát triển của Đảng ta. Chúng ta đã tạo ra một thực tiễn đất nước phát triển, vươn lên mạnh mẽ. Bây giờ cần nhất là tổng kết, đúc rút những giá trị khoa học về tư tưởng, con đường đó. Làm được như vậy, chúng ta đã chủ động bảo vệ những giá trị cốt lõi, nền tảng tư tưởng của Đảng. Khi đã là chân lý khoa học thì không ai có thể phủ nhận được". - PGS-TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC |
Khẳng định công cuộc đổi mới
Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, với đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng: Kinh tế tăng trưởng khá, chính trị - xã hội ổn định; văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố. Sức mạnh mọi mặt của đất nước được nâng lên; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Việt Nam đã hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc trong các lĩnh vực an sinh xã hội.
Đặc biệt, những thành tựu sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo thực hiện là vô cùng to lớn và không thể phủ nhận. Các báo cáo thống kê cho thấy, từ năm 1986 - 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta dù có sự dao động nhất định nhưng vẫn ở mức cao hơn trung bình khu vực và thế giới, với mức tăng bình quân cả thời kỳ gần 7%/năm. Nếu như giai đoạn 1986 - 1990, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta chỉ đạt 4,4%/năm thì tới năm 2017 là 6,81% và năm 2018 là 7,08%.
Cùng với đó, chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện, trình độ công nghệ trong sản xuất được nâng lên. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, nợ công có xu hướng giảm dần, dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức an toàn. Thu nhập bình quân đầu người từ khoảng 100 USD/người/năm vào năm 1986 đã liên tục tăng lên những năm tiếp theo. Đến năm 2018, quy mô nền kinh tế tiếp tục tăng đạt 5.535,3 ngàn tỷ đồng, gấp 2 lần quy mô GDP năm 2011; GDP bình quân đầu người năm 2018 ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017.
Trên đây là những con số dù còn khiêm tốn nhưng đã khẳng định sự đúng đắn về đường lối đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của Đảng từ năm 1986 đến nay. Đó cũng là câu trả lời đanh thép, minh chứng rõ ràng, cụ thể đáp trả lại những tư tưởng, ý kiến đòi “xét lại” lịch sử; xuyên tạc, phủ nhận đường lối lãnh đạo của Đảng mà thực chất là âm mưu chống phá những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được. Nhìn lại lịch sử, với những hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, việc các thế lực thù địch thường viện dẫn so sánh với các nước công nghiệp phát triển để “hạ thấp thành quả của Việt Nam” là phi thực tế và không có cái nhìn biện chứng lịch sử khi mà điều kiện, xuất phát điểm ở mỗi nước khác nhau.
Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), những kết quả to lớn về kinh tế, xã hội của công cuộc hơn 30 năm đổi mới là thực tiễn sinh động, chứng minh sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tất cả sẽ có giá trị cao hơn, mang tính thuyết phục mạnh mẽ hơn khi chúng ta nghiên cứu một cách nghiêm túc, khẳng định bằng những giá trị khoa học trên thực tiễn đất nước về việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, nhất là sự tổng kết toàn diện về công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua. Việc chứng minh chân lý khoa học từ thực tiễn đang diễn ra cũng nhằm mục đích phản bác lại những quan điểm sai trái, lệch lạc về tư tưởng và đường lối của Đảng.