Ngày 9-11, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Học viện Lục quân tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Các tỉnh, thành phố phía Nam với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại các điểm cầu: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực II, III, IV và các Trường Chính trị tỉnh, thành phía Nam.
Chủ trì hội thảo tại các điểm cầu gồm các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trung tướng, PGS.TS Hoàng Văn Minh, Giám đốc Học viện Lục quân; PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II; PGS.TS Đoàn Triệu Long, quyền Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III; TS Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV.
Đấu tranh phải có số liệu, dữ liệu thuyết phục
Báo cáo đề dẫn, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng thông tin, chỉ sau một thời gian ngắn Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành đã được triển khai đồng bộ và đã mang lại những kết quả tích cực.
Trong đó, các tổ chức Đảng, các cấp ủy, nhất là các đồng chí đứng đầu cấp ủy tại các cơ quan hiểu rất rõ, đầy đủ hơn về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, là nhiệm vụ rất cần thiết trong công tác xây dựng Đảng.
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái trong tình hình mới, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu các đảng viên và tổ chức Đảng phải thể hiện rõ tinh thần kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác – Lên nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời kiên định về mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội về các nguyên tắc về xây dựng Đảng, khẳng định các thành tựu của chúng ta, những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Cùng với đó là đấu tranh một cách kiên quyết, thuyết phục về những luận điệu, quan điểm xuyên tạc, công kích gây ra tâm lý hoang mang.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, triển khai cuộc đấu tranh một cách hiệu quả đòi hỏi lực lượng của chúng ta phải hết sức bản lĩnh, tỉnh táo, phải có kiến thức từ lý luận đến thực tiễn; đấu tranh phải có số liệu, dữ liệu thuyết phục. Đặc biệt phải nâng cao kỹ năng, tính chiến đấu, tính lan tỏa; phối hợp đồng bộ các phương pháp đấu tranh.
Đồng chí cũng yêu cầu các trường quân đội, trường chính trị, các học viện thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phải tích hợp các giải pháp đấu tranh vào nội dung bài giảng, trên cơ sở nhận diện rõ các tuyến thế lực thù địch. Một trong những giải pháp cần tập trung triển khai đồng bộ là tập huấn, cung cấp thông tin về phương pháp, kỹ năng viết bài đấu tranh; xây dựng lực lượng rộng rãi trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Cùng với đó, sớm có sơ kết để đánh giá, rút kinh nghiệm và kịp thời uốn nắn cho chính những người tham gia đấu tranh; chú ý khen thưởng, biểu dương những cá nhân, cơ sở làm tốt.
Từ thực tế triển khai Nghị quyết 35, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu các đại biểu tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả của đơn vị, địa phương; đồng thời tin tưởng qua hội thảo sẽ có những phát hiện mới, đóng góp cho việc đổi mới, nâng cao nhận thức để triển khai thắng lợi Nghị quyết 35.
Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, tạo cái nhìn tích cực
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận nhiều nội dung, trong đó tập trung vào các giải pháp, cách làm hay, hiệu quả trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
PGS.TS Phan Xuân Tuy, Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân cho rằng, cần có sự đầu tư xứng đáng, nâng tầm để có hạ tầng thông tin tốt; chú ý đến lực lượng nòng cốt trong nghiên cứu, phát triển, tuyên truyền, phổ biến và thống nhất lý luận. Cần có lực lượng tác chiến và có cơ chế ứng phó kịp thời với những vụ việc xảy ra trên không gian mạng, xử lý các biểu hiện có nguy cơ khủng hoảng truyền thông.
PGS.TS Phan Xuân Tuy cho rằng, lực lượng để triển khai các nhiệm vụ trên là từ hệ thống các trường đại học, là các học viện, phần lớn là cán bộ trung, cao cấp của các trường; là hệ thống công an, quân đội… Đây phải thực sự là những người bảo vệ và đấu tranh.
Báo cáo tham luận tại hội thảo, Thạc sĩ Đỗ Quyết Thắng, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng, khắc phục những hạn chế và giải quyết được những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tập trung tăng cường chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc hệ thống tuyên giáo cơ sở phải chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy thường xuyên sơ kết, kiểm điểm, rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp của Kế hoạch 290 và Đề án số 05 thành kế hoạch của cấp mình; đảm bảo các nội dung, giải pháp được chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Theo đồng chí Đỗ Quyết Thắng, TPHCM cũng chú trọng phương châm "lấy xây để chống", xây là chủ yếu, chống phải quyết liệt, với mục tiêu lấy cái đẹp dẹp cái xấu, tạo cái nhìn tích cực với đất nước – yếu tố khó bị kẻ địch tấn công.
Trong đó, tích cực chia sẻ các thông tin về tập thể, cá nhân, phong trào tích cực trên báo chí chính thống; chia sẻ các cách làm hay, câu chuyện đẹp trên các trang mạng có uy tín và lan tỏa những câu nói hay, những bài học tích cực về cuộc sống, lan tỏa những câu chuyện xúc động.
Đặc biệt, TPHCM đã tổ chức cuộc thi viết “Tình người nơi tuyến đầu chống dịch” với những câu chuyện người thật, việc thật, những việc làm, hành động, nghĩa cử cao đẹp của tập thể, tổ chức, cá nhân tham gia tích cực phòng chống và vượt qua đại dịch Covid-19.
Đó còn là câu chuyện về những tấm gương hy sinh, xả thân, cống hiến của lực lượng tuyến đầu chống dịch bệnh góp phần giáo dục, động viên, cổ vũ tinh thần đoàn kết, thể hiện truyền thống tương thân tương ái, lan tỏa các giải pháp, cách làm hay của các tập thể, cá nhân tích cực trong cộng đồng, đặc biệt là toàn dân đồng lòng, đoàn kết phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, TPHCM cũng tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức của cấp ủy, đảng viên về ý thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giúp cho việc lan tỏa các thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên và tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố. Đổi mới phương thức tuyên truyền, cổ động; chú trọng đầu tư cho hoạt động thông tin, tuyên truyền trên internet, mạng xã hội; nhanh chóng, chủ động thực hiện định hướng, tuyên truyền trên báo chí, trên không gian mạng.
Cùng với đó, tổ chức xây dựng, phát triển lực lượng cộng tác viên cơ sở; đẩy mạnh việc phối hợp giữa các đơn vị trong hệ thống Ban Chỉ đạo 35 ở các địa phương, đơn vị lân cận để thực hiện hoạt động đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng thực sự sắc bén, hiệu quả.
Đưa công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng đi vào chiều sâu
Phát biểu kết luận tại hội thảo, PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 146 bài viết của các nhà khoa học, các thành viên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên khắp địa bàn các tỉnh thành phía Nam.
Hội thảo cũng tập trung làm rõ được những vấn đề lý luận cơ bản về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Các góc độ tiếp cận đã chỉ ra những vấn đề có tính tất yếu, có tính nguyên tắc, các phương hướng, quan điểm và giải pháp chung trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, đặc biệt là trong tình hình hiện nay gắn với tính đặc thù của từng khu vực, từng địa phương từ tỉnh Quảng Bình cho đến tỉnh Cà Mau.
Đồng thời đã làm rõ vai trò quan trọng, thuận lợi, khó khăn của các tỉnh, thành phố nói chung, của các Ban Tuyên giáo, các học viện, nhà trường, trường chính trị tỉnh, thành phố phía Nam nói riêng trong thực hiện Nghị quyết số 35.
Thông qua hội thảo đã làm rõ kết quả đạt được, chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 35 tại các địa phương, các học viện, nhà trường ở các tỉnh, thành phố phía Nam; kinh nghiệm tổ chức lực lượng, triển khai các biện pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của một số lực lượng nòng cốt của các tỉnh, thành phố.
“Những kinh nghiệm này rất có ý nghĩa và cần được tiếp tục nghiên cứu, phát huy, nhân rộng”, đồng chí Lê Văn Lợi nhấn mạnh và biểu dương nhiều tham luận đã đề xuất các giải pháp, kiến nghị nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện thực hiện Nghị quyết 35 tại các địa phương, học viện, trường đại học, trường chính trị tỉnh, thành phố phía Nam.
Đồng chí Lê Văn Lợi khẳng định, trên cơ sở các bài tham luận, các ý kiến thảo luận, trao đổi tại hội thảo, các đóng góp, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tham dự hội thảo, Ban Tổ chức sẽ chắt lọc để tham mưu, tư vấn cho Ban Chỉ đạo 35 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng chương trình phối hợp, liên kết giữa học viện với đơn vị trong việc thực hiện Nghị quyết 35. Qua đó, đưa công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và đạt được những kết quả tốt đẹp nhất.