Sau 2 cuốn sách Sống xanh rồi mới sống nhanh và Thở giữa rừng người, mới đây, cô vừa tiếp tục ra mắt bộ sách tranh Hít hà mùi đất nước (Nhã Nam và NXB Hà Nội).
Giống như 2 cuốn sách trước, bộ sách tranh lần này cũng khai thác đề tài về bảo vệ môi trường nhưng được làm theo dạng sách tranh, hướng đến đối tượng cuối mẫu giáo đầu tiểu học. “Sau nhiều năm chạy các dự án về giáo dục và truyền thông môi trường, tôi muốn tiếp cận nhiều nhất là trẻ em. Tôi tin rằng, muốn các em lựa chọn, hành động, nhận thức thì cần được cho các em thông tin đa dạng về những chuyện đang xảy ra, trái đất đang có vấn đề gì và các em có thể làm gì”, Quỳnh Hương chia sẻ.
Bộ sách Hít hà mùi đất nước gồm 6 tập với các chủ đề khác nhau: Không có nhiều củi khô đến thế đâu, Cá con bơi đi, Tớ bỏ quên giấc ngủ trong vườn, Táo ơi táo rơi đất lành, Úm ba la! Nảy mầm ra cây chuối và Túi nylong khổ sở. Nhân vật xuyên suốt của bộ sách là Tôm, một bạn nhỏ thành thị ham học hỏi, thích tìm tòi, không ngại đối thoại và rất quan tâm về thế giới. Tôm yêu thiên nhiên, tử tế với những người xung quanh và giúp đỡ những bạn dù rất nhỏ như Sâu Béo, biết nhớ nhung cô Gió trong vườn nhà bà Ngoại.
Theo chia sẻ của Quỳnh Hương, vào năm 2019, khi có cơ hội được làm việc với các em nhỏ trong vai trò giáo viên cho một CLB Sống xanh ở một trường quốc tế, cô đã đi tìm các đầu sách trên thị trường về vấn đề môi trường cho các em nhưng lại không có nhiều. “Những cuốn sách đó mang bối cảnh quốc gia khác. Trong khi đó, dù môi trường và biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu nhưng cần có các giải pháp địa phương. Muốn gầy dựng sự tái nhìn nhận thì phải có những cuốn sách mang phong vị Việt Nam, nói đến các vấn đề tại Việt Nam với minh họa thuần Việt mới đủ sức thu hút”, Quỳnh Hương cho biết.
Chính ý nghĩ đó thôi thúc Quỳnh Hương lên ý tưởng và hoàn thành bộ sách Hít hà mùi đất nước. Tuy nhiên, không đi theo hướng cung cấp số liệu và kiến thức đơn thuần như các cuốn sách đã làm, Hương và họa sĩ trẻ Trúc Nhi Hoàng tiếp cận theo cách riêng của mình. Cũng là những số liệu và kiến thức về môi trường, nhưng giờ đây được truyền tải bằng những câu chuyện và hình ảnh dễ thương, sinh động.
Vào tháng 1-2022, Quỳnh Hương và một nhóm bạn sẽ giới thiệu về dự án “Là lá la - Văn học vì biến đổi khí hậu”, cung cấp nền tảng thông tin truyện đọc về môi trường và biến đổi khí hậu cho trẻ em.