Đề cao môi trường sống từ cơ sở
Vấn nạn ô nhiễm môi trường hiện là một trong những thách thức đối với nhiều địa phương trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đặc biệt, ở những nơi đông dân cư sinh sống, môi trường là vấn đề được quan tâm hàng đầu, cần phải giải quyết. Vì vậy, việc nhận thức của cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường có vai trò rất quan trọng để môi trường sống trong lành.
Theo người dân ở xã Thạnh An (huyện Cần Giờ), tình trạng vệ sinh môi trường trên địa bàn xã ngày càng… tệ bởi các ụ rác tồn đọng trên bờ, ven biển xuất hiện ngày càng nhiều, thói quen sử dụng túi ni lông đã mang đến nhiều hệ lụy cho môi trường sống của người dân và các loài sinh vật biển.
Những vấn nạn về môi trường nêu trên đều xuất phát từ thói quen tiêu dùng chưa tốt, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường còn kém và chưa có sự kết nối hiệu quả giữa chính quyền và người dân trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm ở đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã phối hợp cùng UBND xã Thạnh An tổ chức nhiều hoạt động cải tạo môi trường như phát quang, vớt rác và dọn vệ sinh tại các điểm tồn đọng rác tại xã; tổ chức vẽ tranh tuyên truyền bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu 100% tổ dân phố thành lập và đưa vào hoạt động các tổ tự quản về bảo vệ môi trường, các hình thức tuyên truyền về du lịch có trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với du khách đến xã đảo. Đồng thời, vận động trên 80% hộ kinh doanh và tiểu thương trên địa bàn cam kết giảm sử dụng túi ni lông.
Theo ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, các mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường sẽ tạo thành phong trào thi đua, tự nguyện tham gia công tác vệ sinh môi trường mang tính khoa học và xã hội hóa cao. Đồng thời, là cơ hội cho mọi người dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng môi trường khu vực chính nơi người dân sinh sống.
Việc triển khai mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường đã nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng và đông đảo nhân dân trên địa bàn. Trong quá trình triển khai mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, huyện Cần Giờ sẽ phối hợp với các sở, ban ngành thành phố liên tục đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký và thực hiện cam kết giữ gìn vệ sinh, giảm sử dụng túi ni lông, tham gia công tác tự quản về bảo vệ môi trường. Đồng thời, cử cán bộ phụ trách xuyên suốt các hoạt động và tạo điều kiện phối hợp tốt với các đơn vị trong quá trình triển khai.
Nhân rộng mô hình tự quản
Nhiều ý kiến của các địa phương cho rằng, việc xây dựng các mô hình điểm bảo vệ môi trường sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân theo hướng tích cực; đồng thời, phát huy trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương, năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ mặt trận cơ sở và ban công tác mặt trận ở khu dân cư.
Chương trình quản lý môi trường dựa vào cộng đồng chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo được hình thành qua việc gắn kết chặt chẽ giữa chi bộ, ban công tác mặt trận với tổ dân phố và các chi hội đoàn thể để bảo vệ môi trường. Sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ vừa là quyền lợi. Đây cũng là giải pháp cơ bản trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Để đẩy mạnh phong trào cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường hơn nữa, chúng ta cần đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền để tiến tới xây dựng chuẩn mực đạo đức cao đẹp, có những phong tục đẹp về hành động bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên trong đời sống hàng ngày. Thông qua các phương tiện truyền thông như phát thanh, truyền hình, báo in, tranh cổ động... để chuyển tải thông tin, thông điệp môi trường tới các nhóm đối tượng khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết với mục đích góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường, TPHCM đã và đang triển khai mô hình quản lý môi trường dựa vào khu dân cư để xử lý các điểm ô nhiễm môi trường; cải thiện điều kiện vệ sinh, hướng tới nâng cao năng lực chủ động triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, năng lực giám sát của cộng đồng dân cư nhằm xây dựng một xã hội văn minh - sạch - đẹp, phát triển bền vững theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Việc thành lập tổ đại diện cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý những hành vi vi phạm về môi trường; người dân phát huy được vai trò của cộng đồng dân cư tại khu vực đang sinh sống. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thành phố đã xác định nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư; từ đó, thay đổi suy nghĩ và thay đổi hành động là một trong những giải pháp xuyên suốt mà thành phố sẽ kiên trì thực hiện và tiếp tục triển khai, nhân rộng. Sự tham gia của cộng đồng dân cư vào công tác bảo vệ môi trường vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi.