Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm biển là do phát triển công nghiệp, khai thác du lịch tràn lan, cùng với hoạt động nuôi trồng thủy sản bất hợp lý, thói quen thiếu văn minh của một số người dân sống tại các khu du lịch ven biển và cả du khách.
Theo Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO), trong năm 2018, Việt Nam đã thải ra hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý, chiếm gần 6% lượng rác nhựa trên thế giới. Tính riêng lượng rác thải nhựa thải ra biển, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới trong năm qua, ở mức 0,28 - 0,73 triệu tấn, khiến tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam ngày càng nguy cấp. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng chỉ số cạnh tranh du lịch của Việt Nam đứng thứ 129/136 về tính bền vững môi trường.
Thiết nghĩ, đã đến lúc không nên dừng lại ở những khẩu hiệu kêu gọi chung chung, mà cần những cam kết có tính ràng buộc kèm với mức xử phạt nghiêm minh, những hành động thiết thực. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật, tổ chức kiểm soát ô nhiễm môi trường biển. Chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh chế tài, xử lý vi phạm về quản lý rác thải biển, hỗ trợ các doanh nghiệp tái chế rác thải nhựa; khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa, ni lông sử dụng một lần tại các khu du lịch; tăng hiệu quả thu gom rác thải nhựa, thực hiện tái chế, phân loại rác tại nguồn, hạn chế chất thải chôn lấp.