Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, Tổng thống D.Trump đã chỉ trích OPEC vì không hạ giá dầu trước cuộc bầu cử và cho rằng việc giảm giá dầu sẽ giúp chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Ông D.Trump kêu gọi Saudi Arabia cùng các thành viên OPEC khác hành động ngay lập tức. Tuy nhiên, có vẻ ông D.Trump đang hướng giá dầu như một công cụ để đạt được các mục tiêu chính trị và kinh tế của Mỹ.
Trong khi đó, theo các chuyên gia từ ngân hàng đa quốc gia Standard Chartered của Anh, OPEC đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì giá dầu ổn định. Việc hoãn kế hoạch tăng sản lượng đến tháng 4-2025 cho thấy tổ chức này đang cố gắng duy trì sự cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường.
Dự báo nhu cầu toàn cầu về dầu trong năm nay sẽ tăng trưởng chậm lại, trong khi sản lượng ngoài OPEC cũng sẽ gia tăng. Điều này có nghĩa bất kỳ sự gia tăng sản lượng nào từ OPEC cũng có thể gây ra tình trạng dư thừa trên thị trường. OPEC và các nước đồng minh (OPEC+) cũng đã thiết lập các kế hoạch cắt giảm sản lượng từ năm 2022 nhằm hỗ trợ giá dầu. Việc thay đổi kế hoạch này chỉ vì áp lực từ một cá nhân như Tổng thống Donald Trump có thể gây tổn hại đến uy tín và chiến lược dài hạn của tổ chức.
Bên cạnh đó, OPEC cho rằng việc giảm giá dầu để đạt được các mục tiêu chính trị là biện pháp kém hiệu quả so với các biện pháp ngoại giao khác như đàm phán hoặc áp dụng lệnh trừng phạt. Ngoài ra, các thành viên trong OPEC vốn không đồng nhất về lợi ích và mục tiêu. Sự không đồng thuận này khiến cho việc đưa ra quyết định chung trở nên khó khăn hơn.
Theo Standard Chartered, mặc dù Tổng thống Donald Trump có thể tạo ra áp lực lớn đối với OPEC nhưng thực tế cho thấy tổ chức này đã chuẩn bị để đối phó với những thách thức từ bên ngoài. Do đó, nhiều khả năng OPEC sẽ tiếp tục duy trì chính sách cắt giảm sản lượng trong thời gian tới nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế trước những biến động của thị trường toàn cầu.