Nhiều dự án tỷ USD
Mới đây, UBND TPHCM trình Thủ tướng Chính phủ Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Dự kiến, lượng hàng hóa thông qua cảng này đến năm 2030 là 4,8 triệu Teu, đến năm 2047 là 16,9 triệu Teu. TPHCM đánh giá, dự án sẽ thu hút được vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên tại cảng và hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần. Khi cảng đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, sơ bộ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước khoảng 34.000-40.000 tỷ đồng/năm. Tổng mức đầu tư siêu cảng này dự tính khoảng 6 tỷ USD.
Trước đó, đầu tháng 6-2023, Sở Công thương TPHCM đề xuất bổ sung nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ công suất 6.000MW vào danh mục các dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng trong dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Dự án dự kiến được đặt tại khu vực ngoài khơi thuộc Nam Biển Đông, diện tích khảo sát rộng hơn 325ha. Tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng 16 tỷ USD.
Du khách câu cá tại Khu du lịch Vàm Sát, Cần Giờ, TPHCM |
Một “siêu dự án” khác là dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ (xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ). Tháng 8 vừa qua, TPHCM đã thống nhất kế hoạch triển khai dự án này và dự kiến vào thời điểm 30-4-2025 sẽ cấp giấy phép xây dựng để tiến hành đầu tư dự án theo quy định. Sau khi hoàn thành, khu vực triển khai dự án sẽ là khu đô thị du lịch biển; du lịch nghỉ dưỡng; hội thảo, hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng; đô thị thông minh; dịch vụ công nghệ cao; nhà ở, dịch vụ, khách sạn với quy mô quy hoạch toàn khu là 2.870ha. Quy mô dân số tối đa của dự án là hơn 228.000 người; tổng kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khoảng 9 tỷ USD.
Tại Hội thảo phát triển Cần Giờ xanh được tổ chức hồi tháng 8-2023, nhiều chuyên gia đã đóng góp ý kiến cho sự phát triển của vùng đất này khi có nhiều dự án nghiên cứu đầu tư. Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch cho rằng, với vị trí và đặc điểm tự nhiên, Cần Giờ chỉ xác định 3 nhóm ngành làm trụ cột chính phát triển, đó là du lịch, kinh tế hàng hải gắn với cảng và năng lượng tái tạo.
Hạn chế tác động môi trường
Việc phát triển các “siêu dự án” tỷ USD có ảnh hưởng đến môi trường Cần Giờ là vấn đề đã được đặt lên bàn nghị sự của các cơ quan chức năng.
Cụ thể, với dự án điện gió, các cơ quan chuyên môn đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn. Tổng Công ty Điện lực TPHCM cũng lưu ý, đường dây 500kV đấu nối vào trạm 500kV Đa Phước băng ngang huyện đảo Cần Giờ cần xem xét khả năng ảnh hưởng đến đất rừng phòng hộ. Sở KH-ĐT TPHCM đề nghị đánh giá đầy đủ các tác động, đặc biệt là ảnh hưởng tới khu vực rừng ngập mặn.
Tương tự, UBND huyện Cần Giờ rất ủng hộ việc khai thác điện gió ngoài khơi, song cho rằng dự án sử dụng diện tích mặt biển khá lớn, các đơn vị trong quá trình thẩm định cần xem xét sự tác động đến môi trường Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Với dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Chính phủ vừa yêu cầu TPHCM làm rõ một số điểm trong đề án, trong đó có đánh giá tác động của dự án đến Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Với dự án Khu đô thị lấn biển, trước mắt cần khối lượng cát san lấp khoảng hơn 137,6 triệu m3.
Mới đây, UBND TPHCM đã báo cáo Ban cán sự Đảng UBND TPHCM về chủ trương cho phép Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ thực hiện khai thác cát tại khu vực vùng biển Cần Giờ để phục vụ dự án.
Bên cạnh đó, một số ý kiến nhấn mạnh đến việc sử dụng các công nghệ hiện đại để giảm tác động đến môi trường. Với Dự án cảng trung chuyển Cần Giờ, UBND TPHCM cho biết, sẽ được xây dựng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong hoạt động quản lý vận hành khai thác cảng theo hướng bền vững, sử dụng nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường.
Trong định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, Thành ủy TPHCM xác định, đến năm 2030, Cần Giờ “trở thành hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao sinh kế và chất lượng sống cộng đồng dân cư, tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững”.
* Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ NGUYỄN VĂN HỒNG:
Phát triển đi đôi với bảo tồn
Huyện Cần Giờ có hơn 33.000ha rừng ngập mặn, chiếm hơn 45% diện tích tự nhiên... Trước đây, rừng ngập mặn Cần Giờ chỉ sử dụng để nghiên cứu, tham quan, học tập, kết hợp du lịch sinh thái, thì hiện nay với cơ chế của Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã có cơ hội khai thác tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn, tạo nguồn thu cho ngân sách. Nhưng quan trọng hơn hết, việc phát triển phải đi đôi với bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, cốt lõi.
Do đó, trong thời gian tới, huyện Cần Giờ sẽ tích cực phối hợp với các sở ngành, các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đề xuất thành phố những định hướng, giải pháp để vừa phát huy giá trị, vừa giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và tạo ra nền tảng, môi trường, điều kiện cho sự phát triển bền vững.
* PGS-TS PHÙNG CHÍ SỸ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam:
Cần có các giải pháp kiểm soát, ngăn ngừa
Rừng ngập mặn Cần Giờ đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới nên theo quy định thì sẽ không có dự án nào được xây dựng trong phạm vi của khu. Nếu các dự án được phê duyệt đầu tư chắc chắn sẽ phải có một khoảng cách an toàn đối với khu dự trữ sinh quyển. Mặt khác, tất cả dự án được phê duyệt đều đã có các đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng.
Nhìn chung, các dự án siêu cảng, điện gió, đô thị lấn biển ở khu vực này trước và sau khi đi vào hoạt động sẽ có tác động nhất định đến khu dự trữ, nhưng các tác động này không đáng kể.
Ví dụ, khi nạo vét biển để xây dựng công trình có thể gây ra tình trạng sạt lở, thế nhưng rừng ngập mặn lại có chức năng bồi đắp, hoặc quá trình thi công công trình sẽ ảnh hưởng tới nguồn nước (làm nước bị đục) nhưng rừng ngập mặn lại có vai trò lọc nước.
Sau khi các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, đô thị hóa sẽ nhanh hơn, kéo theo sự gia tăng về lượng người, phương tiện đi lại, phát sinh khói bụi, tiếng ồn. Ngoài ra, nếu con người tập trung về khu vực này đông đúc có thể sẽ có tình trạng rừng bị xâm lấn, cảnh quan bị phá bỏ… Do đó, cần có các giải pháp kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi vứt rác bừa bãi, không phá hoại rừng, đầu tư các phương tiện giao thông xanh… sẽ giải quyết được vấn đề môi trường, đa dạng sinh học ở nơi đây.
Rừng ngập mặn Cần Giờ có thể cung cấp khoảng 8 triệu tấn CO2/ha
Liên quan đến phát triển thị trường carbon, Sở TN-MT TPHCM đã phối hợp Ngân hàng Thế giới thành lập Nhóm công tác chung giữa hai cơ quan về sự phát triển toàn diện, bền vững của TPHCM. Hai bên đã thống nhất triển khai thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm: nâng cấp công nghệ LED cho hệ thống chiếu sáng đường phố; chuyển đổi xe máy điện và thúc đẩy năng lượng tái tạo thông qua năng lượng mặt trời mái nhà.
Ngoài ra, Sở TN-MT cũng đã phối hợp các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện triển khai nhiều hoạt động nhằm cắt giảm khí nhà kính. Chẳng hạn như triển khai kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; khuyến khích doanh nghiệp tham gia sản xuất xanh hướng đến sự phát triển bền vững, thân thiện môi trường…
Riêng tại huyện Cần Giờ, theo tính toán sơ bộ của Th.S Bùi Nguyễn Thế Kiệt, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ, rừng ngập mặn Cần Giờ có thể hấp thụ gần 11 triệu tấn CO2/ha; cung cấp khoảng 8 triệu tấn CO2/ha; tích tụ khoảng 3 triệu tấn CO2/ha và có giá trị trao đổi CO2 khoảng 77 triệu USD/ha/năm.