Sông còn có nhiều phụ lưu như sông Đa Nhim, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ… Nói sông Đồng Nai là một trong những viên ngọc quý nhất Việt Nam vì đây là dòng sông nằm trọn trong đất nước ta, cung cấp nước, phù sa, tôm cá… nuôi sống cho khoảng 17 triệu người vùng Đông Nam bộ và TPHCM. Hiện nay, việc bảo vệ sông Đồng Nai đã có nhiều thay đổi tích cực so với nhiều năm trước.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: chất lượng nước ở một số khu vực còn có chỉ số ô nhiễm vượt quy định, nhất là tại các khu vực nuôi cá lồng bè dày đặc; có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không có hệ thống xử lý nước thải nên xả thẳng ra sông; tình trạng khai thác cát lậu vẫn diễn ra ở một số nơi…
Trong khi đó, việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý sai phạm vẫn thường theo địa giới hành chính nên hiệu quả chưa cao như mong đợi. Một đô thị, hay công viên, đường ven sông chỉ hấp dẫn, thu hút người dân và du khách đến thưởng ngoạn khi nằm bên cạnh một dòng sông không bị ô nhiễm. Do vậy, trước khi khai thác không gian một dòng sông để phát triển đô thị, du lịch bằng cảnh quan sông nước thì nhất định phải giữ cho dòng sông ấy được trong xanh.
Nhiều năm trước, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường hệ thống sông Đồng Nai với nhiều giải pháp cụ thể để bảo vệ viên ngọc quý giá này. Nhờ đó, môi trường, cảnh quan dọc dòng sông này đã có cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đủ. Theo nhiều chuyên gia, để gìn giữ, bảo vệ sông Đồng Nai cần nhiều nỗ lực hơn nữa, nhất là khi đã xác định đây là “xương sống” cho không gian phát triển đô thị cả vùng Đông Nam bộ. Ngoài việc cùng nhau bảo vệ chất lượng nguồn nước, các địa phương trong vùng nên ngồi lại để tính toán khai thác không gian dọc sông như thế nào cho hiệu quả, bền vững…
Nơi nào xây đô thị, nơi nào làm bến tàu, phát triển vận tải, nơi nào xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất… cần được tính toán kỹ trên tinh thần bổ sung nguồn lực cho nhau để cùng phát triển và cùng gìn giữ hệ thống sông này cũng như cuộc sống của những con người sinh sống trong lưu vực.