Dữ liệu cá nhân bị lộ khắp nơi
Chị Nguyễn Thị Dịu Sương (SN 1994, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) thường xuyên nhận được cuộc gọi mời chào mua bất động sản. “Tôi rất bực mình nhưng không biết vì sao công ty bất động sản có dữ liệu cá nhân của mình”, chị Sương tâm sự.
Từ lúc mua ô tô cách nay hơn 1 năm, anh Nguyễn Ngọc Lâm (ngụ quận 7, TPHCM) liên tục nhận cuộc gọi mời mua bảo hiểm xe, thậm chí có ngày tới 2 - 3 cuộc gọi. Trong khi đó, chị Giang (SN 1988, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) cho hay, đầu năm 2021, chị có đi máy bay từ TPHCM về Đà Nẵng. “Tôi đặt vé buổi sáng thì chiều cùng ngày đã nhận được nhiều cuộc điện thoại quảng cáo xe đưa đón ở sân bay. Bực mình, tôi chặn các số này thì lại có nhiều số điện thoại ở các hãng taxi khác gọi. Ngán ngẩm!”…
Theo ghi nhận, DLCN của người dân hiện nay bị lộ ở muôn hình vạn trạng. Từ bất động sản, bảo hiểm, đến trung tâm ngoại ngữ, thậm chí cả các dịch vụ nhạy cảm… cũng đều nắm được DLCN của không ít người dân, như: tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, giới tính, mã số thuế…
Theo các chuyên gia công nghệ, ngoài sự tắc trách của các tổ chức, đơn vị khiến DLCN bị lộ, có không ít DLCN bị mua bán, trao đổi hoặc tin tặc đánh cắp. “Chưa bao giờ thông tin cá nhân dễ bị rò rỉ như hiện nay. Chỉ cần người sử dụng mạng xã hội quan tâm và xem sản phẩm nào đó, ngay lập tức trên các trang Facebook, Zalo, Viber, YouTube… của họ xuất hiện các quảng cáo về sản phẩm đó. Nghĩa là không loại trừ thông tin cá nhân của bạn đã bị lộ”, một chuyên gia công nghệ cảnh báo. Đó là chưa kể với hàng trăm cuộc giao dịch trong hoạt động hàng ngày, từ mua hàng trực tiếp hay trực tuyến, mở tài khoản ngân hàng, tải phần mềm ứng dụng, đều vô tình hay bị bắt buộc phải khai báo thông tin cá nhân. Thậm chí, nhiều phần mềm buộc người dùng cho phép trang mạng truy cập vào “tài nguyên” trên ĐTDĐ, laptop, iPad… như: danh bạ điện thoại, hình ảnh trong bộ sưu tập. Nếu không cho phép thì sẽ bị từ chối sử dụng!
Quy trách nhiệm kiểm soát và xử lý hình sự
Qua rà soát của các cơ quan chức năng, hiện có nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực cung cấp giải pháp công nghệ, môi giới bất động sản, ngân hàng, cơ quan nhà nước, người có khả năng truy cập vào hệ thống chính quyền điện tử về giáo dục, y tế, chứng khoán, bệnh viện… có liên quan đến hoạt động mua bán, sử dụng trái phép thông tin, DLCN trên không gian mạng. Do vậy, theo các chuyên gia pháp lý, dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ DLCN do Bộ Công an vừa đề ra là thêm cơ sở để chấn chỉnh thực trạng này.
Theo Thượng tá Nguyễn Thế Lâm, Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TPHCM, dự thảo đưa ra phù hợp với thực tế hiện nay nhằm xử lý các hành vi mua bán, cố tình làm rò rỉ DLCN. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, chế tài phải đủ sức răn đe, phải quy trách nhiệm cá nhân, tổ chức, kể cả xử lý hình sự. Các chuyên gia pháp lý cũng nhìn nhận, những trường hợp mua bán DLCN trái phép thu lời trên 50 triệu đồng phải kiên quyết xử lý theo Điều 290 Bộ luật Hình sự; sử dụng Internet, mạng viễn thông để xâm nhập máy tính người khác lấy cắp DLCN đem bán cũng phải xử lý hình sự. Trong khi, theo dự thảo nghị định, phạt tiền mức cao nhất từ 80 triệu đến 100 triệu đồng với một số hành vi vi phạm về bảo vệ DLCN là chưa đủ mạnh!
Bên cạnh đó, trách nhiệm kiểm soát cũng được đặt ra. Dự thảo nghị định quy định Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, có thẩm quyền kiểm tra, xử phạt. Theo Bộ Công an, vừa qua, công an các tỉnh thành cũng đã thành lập Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nên đủ sức đảm đương công tác bảo vệ DLCN. Tuy nhiên, cùng với đó là các cá nhân, tổ chức cần chủ động phòng ngừa, bảo vệ DLCN của mình, thận trọng trong các giao dịch, nâng cấp phần mềm bảo mật thông tin… Trong trường hợp phát hiện bị rò rỉ thông tin ngoài ý muốn cần thông báo ngay đến Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của công an địa phương để phối hợp xử lý.
Dự thảo Nghị định về bảo vệ DLCN được chia 2 loại: DLCN cơ bản và DLCN nhạy cảm. Theo đó, DLCN cơ bản, gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh, bí danh (nếu có); ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; nhóm máu, giới tính; nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, quê quán, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử; trình độ học vấn; dân tộc; quốc tịch; số điện thoại; số CMND, số hộ chiếu, số căn cước công dân, số giấy phép lái xe, biển số xe, mã số thuế cá nhân, số BHXH; tình trạng hôn nhân... Dữ liệu cá nhân nhạy cảm, gồm: các dữ liệu cá nhân về quan điểm chính trị, tôn giáo; tình trạng sức khỏe; di truyền; sinh trắc học; tình trạng giới tính; tài chính; vị trí địa lý thực tế của cá nhân ở quá khứ và hiện tại; các mối quan hệ xã hội, xu hướng tình dục… |