Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nhà sử học nghệ thuật, nhân viên của các viện bảo tàng và tổ chức văn hóa từ nhiều nước châu Âu, nhất là Đức, đã thường xuyên gặp gỡ trực tuyến với các đồng nghiệp từ Ukraine. Trong một thời gian dài, họ gặp nhau hàng tuần, gần đây nhất là 2 tuần một lần, nhằm thống nhất biện pháp cần thiết và nguồn lực để bảo vệ các di sản văn hóa. Điều này đã dẫn đến sáng kiến thành lập Trung tâm hỗ trợ nghệ thuật Ukraine. Mạng lưới này, với sự đóng góp từ nhiều cá nhân, tổ chức đã giúp đỡ các bảo tàng bảo vệ tài sản văn hóa bị đe dọa.
Các chuyên gia làm việc trong trung tâm một cách tự nguyện. Họ có các vật dụng cần thiết để bảo vệ di sản, hiện vật văn hóa như: chăn chống cháy, vật liệu đóng gói để vận chuyển đồ vật đến các khu vực ít giao tranh ở phía Tây của Ukraine, thiết bị điều hòa không khí để bảo vệ tài sản văn hóa khỏi độ ẩm hoặc nhiệt, máy quét và máy in 3D để có thể số hóa tài sản lưu giữ lại, phòng trường hợp chúng bị phá hủy.
Bộ Văn hóa và Thông tin Ukraine đã liệt kê hơn 500 trường hợp thiệt hại về hiện vật văn hóa tính đến đầu tháng 9. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã xác minh thiệt hại của gần 100 địa điểm quan trọng về văn hóa ở Ukraine, bao gồm nhà thờ, bảo tàng và nhà hát kể từ khi xung đột bắt đầu vào ngày 24-2. May mắn là không địa điểm nào trong số 7 di sản thế giới của Ukraine, trong đó có Nhà thờ Kyiv’s St Sophia và một tu viện hang động lân cận, bị trúng tên lửa hoặc pháo.
UNESCO đã huy động gần 7 triệu USD và cử các chuyên gia tới Ukraine để tư vấn bảo vệ các địa điểm hoặc di dời các tác phẩm nghệ thuật đến các địa điểm an toàn hơn. Hồi tháng 7, UNESCO cũng đã công nhận món súp củ cải đường của Ukraine (được gọi là borshch) trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể đang bị đe dọa do xung đột quân sự. Để bảo vệ các tài sản văn hóa, Trung tâm hỗ trợ nghệ thuật Ukraine đã tổ chức hơn 20 chuyến di dời hiện vật văn hóa. Chính phủ Đức đã chi 1,5 triệu EUR cho các biện pháp bảo vệ di sản văn hóa ở Ukraine. Ngoài các biện pháp hỗ trợ tích cực, sự tương tác trong các cuộc họp trực tuyến là rất quan trọng để có phương pháp bảo tồn, bảo vệ tốt nhất các hiện vật văn hóa.
Một trong các cá nhân tham gia tích cực bảo tồn di sản văn hóa của Ukraine là ông Emmanuel Durand, kỹ sư người Pháp, 53 tuổi, sống tại Geneva, Thụy Sĩ. Ông Durand quyết định đưa kinh nghiệm chụp ảnh quét laser 3D của các hầm chứa ngũ cốc và các tòa nhà di sản tại cảng Beirut (Lebanon) sau một vụ nổ khí đốt vào tháng 8-2020 để áp dụng ở Ukraine. Mục đích là đánh giá, số hóa và giám sát các cấu trúc bị hư hỏng để cung cấp thông tin liên tục cho quân đội và đội cứu hỏa, giúp họ có thể di dời kịp thời các hiện vật văn hóa khỏi khu vực nguy hiểm.