Bảo vệ di sản văn hóa bằng kiến trúc ở Qatar

Ở cực Bắc của Qatar, một kế hoạch đang được tiến hành để biến một khu định cư cũ thành một điểm thu hút khách du lịch hiện đại (ảnh).

Bảo vệ di sản văn hóa bằng kiến trúc ở Qatar

Từng là một khu định cư thịnh vượng, Al Mafyar đã bị bỏ hoang khoảng 50 năm trước. Sử dụng các công trình có sẵn, Bảo tàng Qatar có kế hoạch lớn phục dựng ngôi làng này để một lần nữa thành trung tâm văn hóa quan trọng. Al Mafyar được kỳ vọng trở thành một điểm thu hút khách du lịch với những hoạt động thân thiện với môi trường về văn hóa và di sản.

Kiến trúc sư Omar Merhebi thiết kế dự án, chia sẻ: "Điều chúng tôi muốn đạt được là mang lại cuộc sống cộng đồng cho ngôi làng bị bỏ hoang lâu năm. Mỗi ngôi nhà đều có hình dáng độc đáo, đặc điểm riêng. Vì vậy, chúng tôi sẽ phục dựng và khiến du khách có cảm giác họ thuộc về nơi đó và muốn thực hiện hành trình tìm lại quá khứ”.

Quyết định phục dựng cũng gặp khó khi các nhà khảo cổ yêu cầu dự án cần đảm bảo những tàn tích cũ dưới lòng đất được bảo vệ và không bị tổn hại trong quá trình thi công. Một trong những khâu quan trọng của dự án là lựa chọn vật liệu phù hợp cho việc phục dựng nhưng vẫn hòa hợp với vùng đất xung quanh. Vì thế, Merhebi giải thích: Khung cảnh thiên nhiên xung quanh ngôi làng là nguồn cảm hứng lớn cho các nhà thiết kế.

Vì Qatar là một quốc gia có vùng trũng nên mực nước biển dâng cao là mối lo ngại lớn đối với cảnh quan của đất nước. Theo TS Essam Heggy, Đại học Hamad Bin Khalifa, nước biển có thể lấn vào đất liền 2-7m mỗi năm. Do đó, Qatar đang chạy đua với thời gian để bảo vệ chính mình và các dự án như Al Mafyar trong tương lai. Thông qua khoa học và công nghệ, các chuyên gia hy vọng giảm thiểu mọi thiệt hại dọc theo bán đảo Qatar.

Tầm nhìn quốc gia của Qatar năm 2030, được ban hành vào năm 2008, cũng vạch ra các mục tiêu phát triển đất nước. Chính sách này nêu rõ, dù đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội nhanh chóng, nhưng Qatar vẫn duy trì các giá trị văn hóa và truyền thống riêng với tư cách là một quốc gia Ả rập và Hồi giáo. Tài liệu này cũng đề cập đến sự cần thiết của các thể chế “bảo tồn di sản quốc gia của Qatar và nâng cao các giá trị cũng như bản sắc của người Ả rập và Hồi giáo”.

Tạo ra các tổ chức văn hóa, bảo tàng và lễ hội là chiến lược mà Qatar muốn cố gắng thực hiện để tiếp tục bảo tồn các giá trị truyền thống. Những sáng kiến di sản cũng mang lại cho người dân Qatar cảm giác vẫn thuộc về quốc gia và quốc gia cũng thuộc về họ. Không chỉ bảo tồn các di sản văn hóa bằng dự án biến khu định cư cổ thành một điểm thu hút khách du lịch, Qatar cũng chú ý đến từng chi tiết khi bảo vệ các hiện vật lịch sử được phát hiện từ sa mạc và hơn thế nữa.

Ngoài dự án khu làng Al Mafyar nói trên, Qatar còn nỗ lực hơn nữa để bảo tồn cảnh quan thiên nhiên bằng các công trình kiến trúc cũ, như Trạm cứu hỏa Doha, được xây dựng vào năm 1982 dành riêng cho an ninh và bảo vệ cư dân Doha. Giờ đây, tòa nhà này được tái sử dụng thành bảo tàng và không gian nghệ thuật đương đại. Trước đó, Qatar còn khôi phục chợ truyền thống Souq Waqif vào năm 2004; thành lập một chợ truyền thống khác Souq Al-Wakrah vào năm 2008…

Tin cùng chuyên mục