Trong cuộc nói chuyện với 1.000 nông dân trẻ tại Điện Elysée mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, đất nông nghiệp của Pháp là ngành đầu tư chiến lược có liên quan đến chủ quyền của quốc gia, do đó không thể để cho hàng trăm hécta đất vào tay các quốc gia khác khi không hiểu được mục đích thật sự của các thương vụ đó.
Tuyên bố này của ông Macron đã phần nào giải tỏa những lo ngại gần đây của giới làm nông nghiệp tại Pháp, sau khi xuất hiện hiện tượng một nhà đầu tư Trung Quốc lần lượt thu mua 2.700ha đất trồng lúa mì ở Pháp. Những thương vụ thu mua kiểu này với mức giá cao ngất ngưởng đang đội giá đất canh tác ở Pháp lên cao khiến cho người dân địa phương ngày càng bất bình.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters.
Để giải quyết hiện tượng đất nông nghiệp bị các nhà đầu tư nước ngoài mua bán tràn lan, Tổng thống E.Macron đã cam kết đề ra những quy định mới và phối hợp với nông dân để chấm dứt tình trạng đất nông nghiệp Pháp trở thành một món hàng đầu tư. Từ cuối năm 2017, cơ quan có nhiệm vụ theo dõi vấn đề mua bán đất nông nghiệp Pháp Safer đã thừa nhận bất lực trong việc ngăn chặn các thương vụ thâu tóm đất của nhà đầu tư Trung Quốc, vốn đã lợi dụng kẽ hở pháp lý tại Pháp để tiến hành việc thu mua. Hiệp hội Nông thôn Pháp đã lên tiếng kêu gọi chính phủ hành động chống lại sự gia tăng nhanh chóng của tình trạng các nhà đầu tư tài chính, chứ không phải nông dân, đi mua đất nông nghiệp. Đáng lo ngại hơn, theo cảnh báo của giới phân tích, việc Trung Quốc thu mua một khối lượng lớn đất canh tác tại Pháp có lẽ không đơn thuần là một dự án công nghiệp và thương mại, mà còn là một chiến lược đầu tư dài hạn. Ở quốc gia có 1,4 tỷ dân như Trung Quốc, vấn đề sản xuất lương thực đã trở thành một bài toán khó do diện tích đất canh tác đang bị thu hẹp. Các công ty Trung Quốc tìm cách mua hoặc thuê các trang trại ở nước ngoài từ hàng chục năm nay để phát triển nguồn lương thực. Các thương vụ mua đất nước ngoài của Trung Quốc dần được tăng tốc khi giá ngũ cốc tăng vọt trong cuộc khủng hoảng lương thực thế giới từ năm 2006-2008. Có cùng nỗi lo như nước Pháp, chính quyền Australia đã có những hành động cứng rắn hơn đối với giới đầu tư nước ngoài. Nước này đã công bố những quy định mới áp dụng đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua đất nông nghiệp. Thống kê gần đây cho thấy Trung Quốc hiện là một trong những nhà đầu tư đất nông nghiệp lớn ở Australia. Chính quyền Australia buộc phải cam kết giám sát và tăng cường tính minh bạch trong ngành nông nghiệp để bảo đảm các hoạt động trên không xung đột với lợi ích quốc gia. Với cam kết của chính quyền Tổng thống E. Macron, nông dân Pháp tạm thời có thể yên tâm rằng trong thời gian tới, hiện tượng đất nông nghiệp rơi vào tay nước ngoài sẽ sớm được chấm dứt. Chính phủ Pháp không thể chần chừ trong việc bảo vệ đất nông nghiệp bởi nông nghiệp đang được xem là ngành kinh tế quan trọng tại quốc gia này. Những sản phẩm nông sản “Made in France” (Sản xuất tại Pháp) luôn là niềm tự hào của nước Pháp vì sản lượng cao và có chất lượng hàng đầu trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp nước này còn góp phần tạo thêm nhiều việc làm, giá nông sản ở Pháp cũng khiến người nông dân có thể sống với nghề và lượng lương thực sản xuất hàng năm đủ sức nuôi toàn dân.
THANH HẰNG