Acid hóa đại dương
Theo ông Kerry, không thể giải quyết được khủng hoảng khí hậu nếu không giải quyết vấn đề đối với các đại dương, nơi quan trọng để lưu trữ lượng khí CO2. Tuy nhiên, không thể giải quyết vấn đề của các đại dương nếu không xử lý vấn đề khí hậu, vì khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang gây tình trạng acid hóa và làm tăng nhiệt độ các đại dương.
Đặc phái viên Mỹ cho biết, ông đã có một cuộc họp cấp cao với đại diện các nước và thảo luận một thỏa thuận đầy đủ về việc đưa đại dương vào vị trí ưu tiên trong hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) tại Sharm el-Sheikh (Ai Cập) sắp tới. Các bên đang thảo luận liệu đây sẽ là một sáng kiến hành lang vận tải biển xanh (vận tải biển không phát thải khí) như biên bản ghi nhớ mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký nhằm chống hoạt động đánh bắt cá trái phép, không thông báo và không theo quy định ở các vùng biển khơi, hay coi 30% vùng đặc quyền kinh tế quốc gia là khu vực được bảo vệ.
Vận tải biển chiếm khoảng 3% lượng khí thải toàn cầu, hơn 1 tỷ tấn CO2/năm. Tổ chức Hàng hải quốc tế đã đặt mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải vào năm 2050 so với mức năm 2008. Về việc này, ông Kerry cho rằng, cần đạt mục tiêu trung hòa khí thải trong lĩnh vực vận tải biển vào năm 2050. Trong bối cảnh lạm phát và suy thoái, các ưu tiên khí hậu đang bị để lại phía sau. Tuy nhiên, ông Kerry nhấn mạnh cần chú ý đến việc này. Nếu quá trình chuyển đổi kinh tế nhận được các đầu tư cần thiết sẽ tạo ra một lượng lớn việc làm, các chuỗi cung ứng sẽ được cải thiện và lạm phát có thể được kéo giảm.
Bao phủ khoảng 70% diện tích bề mặt Trái đất, các đại dương giúp giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với sự sống trên đất liền. Các đại dương hấp thụ khoảng 25% khí thải CO2, khiến nước biển bị acid hóa, đe dọa các chuỗi thức ăn trong lòng đại dương, đồng thời làm giảm khả năng hấp thụ carbon của các đại dương.
Ngoài ra, các đại dương cũng hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa từ tình trạng ấm lên toàn cầu, do đó các đợt sóng nhiệt xuất hiện ngày càng nhiều trong lòng đại dương, khiến nhiều rạn san hô quý chết đi và gia tăng những vùng biển chết do thiếu oxy. Trong các cuộc đàm phán về khí hậu của LHQ, chủ đề đại dương cho đến gần đây vẫn ít được nhắc đến, dù tình trạng ấm lên toàn cầu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng biển và đại dương.
Đánh bắt bền vững
Tổ chức Lương nông LHQ (FAO) cho biết, sản lượng cá, động vật có vỏ và tảo được đánh bắt tự nhiên và nuôi trồng trong năm 2020 đã đạt mức kỷ lục 214 triệu tấn. Kết quả này có được là nhờ sự gia tăng bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản. FAO cho rằng, đây là tín hiệu tốt cho thế giới - vốn đang phải đối mặt với tình trạng giá cả leo thang, trong khi thiếu hụt lương thực do cuộc xung đột ở Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng và gây lạm phát. Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc cho biết, sự tăng trưởng trong ngành đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản là rất quan trọng trong nỗ lực nhằm chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng toàn cầu.
Tuy nhiên, báo cáo năm 2022 của FAO về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản thế giới cho rằng, nếu tình trạng đánh bắt cá quá mức, biến đổi khí hậu và ô nhiễm không được giải quyết thì có thể sẽ đe dọa tiềm năng đó. Theo báo cáo, tăng trưởng trong ngành nuôi trồng thủy sản thường gây ra những hậu quả về môi trường. Do đó, phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững là yếu tố quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về lương thực - thực phẩm từ thủy sản.
Theo báo cáo của FAO được công bố tại Hội nghị Đại dương LHQ lần thứ 2, trong tổng sản lượng thủy sản thế giới năm 2020 gồm cả đánh bắt và nuôi trồng, 178 triệu tấn là các loại cá và động vật có vỏ, số còn lại (36 triệu tấn) là tảo. Số lượng cá, tôm và các loại động vật có vỏ khác mà con người tiêu thụ hiện nay đã tăng hơn 60% so với thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, vượt xa tốc độ tăng trưởng dân số. Hiện nay, trung bình mỗi người trên thế giới tiêu thụ khoảng 20kg thủy hải sản mỗi năm, tăng gấp 2 lần so với mức tiêu thụ cách đây 50 năm. Trên toàn thế giới, 17% lượng protein mà con người tiêu thụ là từ các nguồn thủy hải sản. Ở nhiều quốc gia châu Á và châu Phi, con số này tăng lên hơn 50%.
Báo cáo cho biết, gần 90% sản lượng động vật thủy sản là để phục vụ nhu cầu của con người, số còn lại được sử dụng để sản xuất bột cá và dầu cá. Các quốc gia châu Á cung cấp đến 70% sản lượng của ngành đánh bắt và nuôi các loại động vật thủy sản trong năm 2020. Trung Quốc vẫn là quốc gia khai thác thủy sản hàng đầu thế giới. Theo báo cáo, hoạt động đánh bắt tự nhiên trong năm 2020 đã giảm 4% so với mức trung bình của 3 năm trước đó. Một phần nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng trong dài hạn, không loại trừ khả năng do lượng thủy sản tự nhiên bị suy giảm do đánh bắt quá mức.
Hội nghị Đại dương LHQ lần thứ 2 với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia, nhà hoạch định chính sách và chuyên gia đến từ 140 quốc gia, bế mạc ngày 1-7 sau gần một tuần làm việc. Tại hội nghị, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công bố ấn bản đầu tiên “Báo cáo tình trạng đại dương”. Báo cáo tổng hợp những kiến thức cập nhật nhất về tình trạng của các đại dương trên thế giới, trong đó bao gồm cả mức độ ô nhiễm hay sự đa dạng sinh học..., nhằm hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách chủ chốt đưa ra các quyết định sáng suốt về bảo vệ đại dương và quy hoạch bền vững. Dự kiến, báo cáo sẽ được UNESCO công bố thường niên vào Ngày Đại dương thế giới (8-6). |