Để hỗ trợ TPHCM và các tỉnh, thành phố ở miền Nam dập dịch Covid-19, gần 3 tháng qua, đã có hơn 13.000 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế tại miền Bắc và miền Trung, trong đó có hơn 6.000 y, bác sĩ của tuyến Trung ương, đã lên đường chi viện cho miền Nam.
Tại tọa đàm, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, những “chiến binh áo trắng” đang ngày đêm đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, chịu áp lực lớn cả về vật chất lẫn tinh thần trong quá trình cứu chữa bệnh nhân và phòng chống dịch. “Từ lực lượng lấy mẫu xét nghiệm, truy vết đến điều trị, chăm sóc bệnh nhân… rất vất vả, trong đó có cả các em sinh viên, nhiều ca làm việc lên đến 12 tiếng trong điều kiện thời tiết nắng nóng”, bác sĩ Khoa chia sẻ. Ông lo ngại tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe lẫn tinh thần của các y, bác sĩ, nhân viên y tế.
PGS-TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, cho biết, tính đến ngày 9-8 đã có 2.380 cán bộ y tế mắc Covid-19, và mới đây đã có cán bộ y tế không qua khỏi, càng tạo áp lực tinh thần đè nặng lên các y, bác sĩ. Trong khi từ miền Bắc vẫn đang có hàng ngàn y, bác sĩ, sinh viên tình nguyện từ các bệnh viện, trường đại học sẵn sàng xung phong vào TPHCM và miền Nam để chống dịch thì hiện nay, trang thiết bị bảo hộ còn thiếu, điều kiện ăn uống sinh hoạt cũng gặp khó khăn; các bệnh viện dã chiến chưa có chỗ nghỉ, các bác sĩ phải nằm nghỉ ngay tại nơi ứng trực...
Đề cập tình trạng thiếu trang thiết bị bảo hộ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thông tin, mặc dù rất nhiều đơn vị, nhà hảo tâm đã ủng hộ, gửi tặng trang thiết bị cho lực lượng nhân viên y tế, nhưng thực tế có rất nhiều trang thiết bị không đảm bảo điều kiện an toàn hoặc mua nhầm sản phẩm nhái, nên không sử dụng được.
Chia sẻ với khó khăn này, ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, đề nghị cần có chiến lược lâu dài để bảo vệ nhân viên y tế. Các ngành, các cấp phải có chính sách bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế qua thực tiễn chống dịch ở TPHCM và 18 tỉnh, thành phố ở phía Nam. Trong giai đoạn sắp tới, cần đào tạo nhiều chuyên khoa, chuyên ngành về hồi sức cấp cứu. Y tế dự phòng và hồi sức cấp cứu cần được đẩy mạnh hơn nữa. Đồng thời, cần phải bảo toàn cho lực lượng y tế chuyên sâu để tiến hành chữa trị cho những người mắc bệnh nền nặng. “Cần ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình để những bệnh nhân F0 thể nhẹ có thể chăm sóc nhau, chia sẻ, tư vấn tâm lý, không gây áp lực quá lớn cho nhân viên y tế để lực lượng này tập trung chữa trị cho những bệnh nhân nặng hơn”, ông Lộc đề xuất. Về chính sách hỗ trợ, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị cần có 3 loại phụ cấp cho nhân viên y tế, gồm: phụ cấp độc hại, phụ cấp cường độ lao động và phụ cấp ngoài giờ.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định, Công đoàn Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt tới các y, bác sĩ, nhân viên y tế vì họ là những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu, đang phải đối mặt hiểm nguy, dịch bệnh.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ dinh dưỡng (bữa ăn) cho các y, bác sĩ với mức 1 triệu đồng/người và chỉ đạo Công đoàn Y tế Việt Nam chi hỗ trợ thêm cho các y, bác sĩ tuyến đầu với mức 2 triệu đồng/người. Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cũng cho biết, ngoài hỗ trợ tiền ăn 1 triệu đồng/người và tiền mặt 2 triệu đồng/người như chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, công đoàn ngành y tế đang triển khai 20.000 thẻ bảo hiểm an toàn cho các cán bộ y tế, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Theo đề nghị của Công đoàn Y tế Việt Nam, thời gian tham gia tăng cường chống dịch ở tuyến đầu nên tối đa là 2 tháng với mỗi đoàn để bảo toàn lực lượng, phục hồi sức khỏe, giảm căng thẳng cho các chiến sĩ áo trắng.