Bảo vệ bản quyền trong âm nhạc: Nâng cao tôn trọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Âm nhạc là một trong 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa Việt Nam. Quyền tác giả, quyền liên quan đã tăng cường sự kết nối liên ngành từ âm nhạc tới điện ảnh, thời trang, công nghệ, hàng tiêu dùng… tạo điều kiện cho sự hợp lực sáng tạo và đổi mới, đồng thời còn giúp giá trị âm nhạc được bảo tồn bền vững.

Khó khăn quản lý và bảo vệ bản quyền

Trong thời đại số hóa, công nghiệp văn hóa không chỉ dừng lại ở những câu chuyện, những bản nhạc, hay những tác phẩm nghệ thuật truyền thống mà còn mở ra chân trời mới - nơi công nghệ hiện đại được đẩy mạnh khai thác mang đến những trải nghiệm trực quan. Âm nhạc có thể lan tỏa chỉ sau vài giây và chính điều đó cũng đặt ra nhiều thách thức về bản quyền, về quyền được công nhận và bảo vệ của người sáng tạo.

X6a.jpg
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng phát biểu về bản quyền âm nhạc trong Tọa đàm “Đối thoại về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc"

“Dưới góc độ nghệ sĩ, chúng tôi từng trăn trở khi không nắm được đầy đủ kiến thức về bản quyền âm nhạc, sở hữu trí tuệ. Trước đây có khá nhiều tác phẩm do chúng tôi làm ra nhưng lại không được sở hữu. Đó là nỗi đau đeo bám chúng tôi mãi đến nay”, ca sĩ Đoàn Minh Phúc, đại diện hãng phát hành âm nhạc Space Speakers, chia sẻ. Nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc Kai Đinh cũng nêu quan điểm: “Đằng sau một bản ghi dài vài phút là hàng trăm giờ làm việc miệt mài trong phòng thu của ca sĩ, tác giả, nhà sản xuất, nhạc sĩ phối khí, nhạc công, kỹ sư âm thanh… Vì thế, việc hiểu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng là cách thể hiện sự tôn trọng và ghi nhận giá trị của cả một tập thể sáng tạo đứng sau sản phẩm”.

Tại buổi đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc do Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) tổ chức tại TPHCM vừa qua, đại diện Công ty BH Media cho biết, bên cạnh việc bị khai thác trái phép các sản phẩm trí tuệ thì đơn vị này còn gặp vướng mắc về thủ tục hành chính, đặc biệt là công chứng theo Nghị định 17 và phải chịu nhiều loại chi phí bản quyền chồng chéo, khiến giảm động lực sáng tạo. “Ngoài kêu gọi hợp tác để xây dựng một môi trường âm nhạc lành mạnh, chúng tôi cũng mong có bảng giá bản quyền minh bạch, hệ thống dữ liệu công khai về tác phẩm và đơn vị bảo hộ để mọi người dễ tiếp cận, tham chiếu…”, đại diện BH Media nói.

Trong khi đó, đại diện Nam Viet Media - một đơn vị hoạt động sản xuất âm nhạc trên nền tảng online, cho hay, gặp nhiều khó khăn về việc chi trả bản quyền tác giả do các nền tảng số không có sự đồng bộ về giá cả. Điều này dẫn đến việc rất khó định mức giá chung để chi trả cho việc sản xuất các sản phẩm âm nhạc, nhiều nghệ sĩ đã phải từ bỏ việc phát hành theo các hình thức này do thu không đủ bù chi.

Hệ thống bản quyền và công nghệ hỗ trợ

Vừa qua, có khá nhiều ý kiến liên quan đến mức thuế, đề xuất xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bản quyền âm nhạc để biết được thông tin tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, sau này có chuyển đổi chủ sở hữu thì vẫn biết được thông tin. Bà Helen, đại diện chương trình Vietnam Idol, đề xuất có hệ thống kiểm tra bản quyền âm nhạc bằng app hoặc phần mềm có thể quét mã QR giúp nghệ sĩ và đơn vị sản xuất, quản lý dễ dàng tra cứu thông tin bản quyền, tạo môi trường minh bạch.

NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhận định: “Hiện nay có khá nhiều bất cập, rối rắm trong quản lý tác phẩm và quyền sở hữu: một số tác phẩm là tài sản nhà nước, gây khó cho người có nhu cầu sử dụng do không biết tiếp cận ai để xin phép; một số nhạc sĩ thì chưa hiểu rõ về bản quyền, ký hợp đồng chồng chéo với nhiều nơi… Do đó, việc phổ biến, hỗ trợ nhạc sĩ về quyền tác giả đang là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng thị trường âm nhạc lành mạnh, phát triển”.

Từ những khó khăn trong công việc đóng tiền tác quyền do hệ thống bán vé chưa đồng bộ, phải đóng phí dựa trên số ghế, thay vì số vé bán thực tế, ông Châu Lê, đại diện nhà sản xuất chương trình Hue Symphony, đề xuất ứng dụng công nghệ như blockchain để minh bạch hóa tác quyền, tạo mã hóa (tokenize) cho mỗi tác phẩm, theo dõi được quyền lợi từng cá nhân tham gia sản xuất.

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cho biết, hiện cục đang xây dựng một phần mềm và cơ sở dữ liệu trực tuyến để lưu trữ và xác nhận tác phẩm có bản quyền, tác giả rõ ràng. Cục cũng đang kêu gọi các đơn vị liên quan (đặc biệt là các nền tảng online) cùng đổ dữ liệu về một hệ thống chung, nhằm đảm bảo tính minh bạch và quản lý thống nhất. “Theo quy định của Nhà nước, Cục Bản quyền tác giả là cơ quan duy nhất cung cấp thông tin bản quyền chính thức nên sự thống nhất thông tin về một đầu mối là rất cần thiết. Trước mắt, cục đang giao Trung tâm Bảo vệ bản quyền Việt Nam tiến hành việc này”, ông Trần Hoàng cho hay.

Tin cùng chuyên mục