Những năm gần đây, tình trạng côn đồ xông vào bệnh viện tấn công bác sĩ và nhân viên y tế đã xảy ra ở rất nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, TPHCM, Cà Mau, Bình Thuận, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Vĩnh Long…, gây tâm lý sợ hãi, bất an cho bệnh nhân, thân nhân cùng tập thể y bác sĩ, cán bộ, nhân viên tại các bệnh viện. Có nhiều nguyên do để côn đồ tấn công bệnh viện. Có khi chúng thanh toán nhau ở bên ngoài, khi người bị thương tích vào viện cấp cứu thì chúng kéo đến bệnh viện truy sát nạn nhân trước sự bất lực của nhân viên bảo vệ, khiến các bác sĩ, nhân viên y tế, người nhà và bệnh nhân nháo nhào, hoảng loạn. Hoặc người nhà bệnh nhân do nôn nóng, không hiểu phác đồ điều trị nên nổi giận, manh động tấn công bác sĩ.
Theo Bộ Y tế, tình trạng mất an ninh và an toàn tại các bệnh viện đã đến lúc phải báo động, không còn là cảnh báo nữa.
Bệnh viện là nơi thường xuyên có nhiều người ra vào, đa phần những người rất dễ bị tổn thương là cha mẹ, anh em, họ hàng thân thuộc với bệnh nhân, vì thế bảo vệ bệnh viện cần phải có cung cách ứng xử phù hợp, lịch sự, không thể theo nguyên tắc cứng nhắc kiểm tra như bảo vệ cơ quan hành chánh, an ninh, quân sự được. Bên cạnh đó, bệnh viện thì khó có khả năng để biên chế một lực lượng bảo vệ dày đặc với kỹ năng ứng phó chuyên nghiệp. Do những hạn chế này của bệnh viện nên bọn côn đồ dễ dàng khống chế lực lượng bảo vệ, vào bệnh viện tiếp cận bệnh nhân và bác sĩ, tác oai tác quái khi chúng muốn. Lực lượng bảo vệ thường bị đưa vào tình huống bị động, bao giờ cũng chậm hơn một bước, hoặc bất lực trước bọn côn đồ hành động bất ngờ, có hung khí và vô cùng manh động.
Sau vụ việc 2 bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Yên Bái bị hành hung, Bộ Y tế có đề nghị cho phép lực lượng bảo vệ các bệnh viện được sử dụng công cụ hỗ trợ khi xảy ra tình huống xấu. Nhưng đó chỉ là một biện pháp hỗ trợ cho một giải pháp tổng thể, không thể dựa vào đó để đảm bảo an ninh, an toàn cho bệnh viện được. Cần có một giải pháp căn cơ, được thực hiện đồng bộ bên trong lẫn bên ngoài bệnh viện. Bệnh viện cần có thêm biên chế nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp từ các công ty bảo vệ; có kế hoạch phối hợp cùng lực lượng an ninh địa phương, sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện ngay tức khắc trong mọi tình huống. Cần chuẩn bị phương án đối phó một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, với những tình huống bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào…
Đừng để giữa bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân có một “hố sâu” ngăn cách. Đừng để bệnh nhân thiếu tin tưởng vào chuyên môn cũng như y đức của bác sĩ mà dẫn tới những hành vi côn đồ. Một giải pháp vừa mang tính răn đe vừa thể hiện tính nhân văn sẽ góp phần tích cực trong việc bảo vệ an ninh, an toàn trong bệnh viện.