Bảo vệ an ninh lương thực châu Á - Thái Bình Dương

Theo kế hoạch, ngày 19-2, Hội nghị cấp bộ trưởng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APRC) lần thứ 37 diễn ra tại Colombo, Sri Lanka. Mục tiêu nhằm tìm giải pháp bảo vệ an ninh lương thực ở khu vực.

Hướng đến nông nghiệp bền vững

Hội nghị có sự tham gia của các bộ trưởng nông nghiệp và các quan chức cấp cao đến từ 46 quốc gia thành viên trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Diễn ra trong 3 ngày, hội nghị thảo luận những thách thức và ưu tiên liên quan đến lương thực và nông nghiệp bền vững, thúc đẩy sự gắn kết trong khu vực. Ngoài ra, còn có một diễn đàn về du lịch nông nghiệp do Chính phủ Sri Lanka yêu cầu, hướng đến mục tiêu phát triển hơn nữa ngành du lịch nông nghiệp của khu vực và mang lại nguồn ngoại tệ có giá trị.

Điểm nhấn của APRC năm nay là tìm giải pháp để hoạt động chuyển đổi hệ thống thực phẩm nông nghiệp của khu vực trở nên hiệu quả, linh hoạt và bền vững hơn; hướng tới chế độ ăn uống lành mạnh; thúc đẩy phát triển nông nghiệp carbon thấp; hiện đại hóa hệ thống hạt giống, thực hiện quản lý canh tác tổng hợp, kiểm soát sâu bệnh xuyên biên giới. Hội nghị được kỳ vọng sẽ tìm ra các giải pháp đặc biệt dành cho các hộ sản xuất nhỏ và nông dân gia đình.

s8c-3300-5218.jpg
Mua gạo tại Malaysia

Theo FAO, giá lương thực leo thang là nguyên nhân gây nên nhiều cuộc khủng hoảng chính trị trên thế giới. Sự tăng đột biến giá cả có thể là mối đe dọa chính trị đối với an ninh lương thực cho người nghèo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Có hơn 371 triệu người bị suy dinh dưỡng ở châu Á - Thái Bình Dương, gần 2 tỷ người không có khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh.

Những thách thức trên khiến nhiều mục tiêu phát triển bền vững (SDG) chệch hướng, làm suy yếu hệ thống an ninh lương thực và dinh dưỡng. Một số nước châu Á - Thái Bình Dương đang được FAO hỗ trợ để thúc đẩy các kế hoạch đầu tư phù hợp nhằm chống thất thoát, lãng phí lương thực và tiết kiệm nước, cũng như xây dựng năng lực thích ứng để đáp ứng nhu cầu của quốc gia và khu vực.

Kiểm soát lạm phát lương thực

Thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, mưa lớn kéo dài, lũ lụt nặng nề đang tàn phá các trang trại ở châu Á khiến mùa màng thất bát, sản lượng trái cây sụt giảm. Giá gạo, loại lương thực chính ở châu Á, gần đây đạt mức cao nhất trong 2 năm do các nhà nhập khẩu tích trữ hàng tồn kho.

Cùng với đó là giá mặt hàng thực phẩm tăng cao khiến lạm phát tiếp tục “nóng” ở nhiều nước châu Á. Lo ngại nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt hơn cũng đang làm leo thang rủi ro về làn sóng bảo hộ thương mại mới khi một số quốc gia tìm cách đảm bảo dự trữ lương thực.

Lạm phát lương thực đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân ở Nam Á và Đông Nam Á, nơi thực phẩm chiếm 30%-50% tổng chi tiêu hộ gia đình, so với khoảng 10%-20% ở các nền kinh tế đã phát triển. Các biện pháp kiểm soát giá cả nghiêm ngặt cũng như trợ cấp lương thực được triển khai ở nhiều quốc gia châu Á để kiềm chế lạm phát.

Bên cạnh đó là chuyển đổi hệ thống cây trồng để đối phó với nắng nóng và hạn hán. Chẳng hạn Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đang khuyến khích nông dân chuyển sang các loại cây trồng cần ít nước hơn, trong khi nông dân ở các vùng sản xuất lúa gạo hàng đầu của Indonesia đang trồng bắp và bắp cải.

Tin cùng chuyên mục