Bảo vật Linga vàng

Trong quá trình khai quật tại nhóm tháp Chăm Pô Dam trên sườn núi Ông Xiêm (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) vào năm 2013, các nhà khảo cổ Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ và Bình Thuận đã có một phát hiện gây chấn động giới khoa học. Đó là tìm thấy chiếc Linga vàng ròng (ảnh), một báu vật vô giá về lịch sử và văn hóa của Vương quốc Chămpa.

Khi vừa khoét sâu dưới lớp đất chừng 50cm tại nhóm tháp Pô Dam, một công nhân bất ngờ phát hiện một vật thể lạ màu vàng, phát ra ánh sáng lấp lánh. Ngay sau đó, các chuyên gia khảo cổ đã có mặt tại hiện trường, cẩn thận đưa hiện vật lên để tổ chức nghiên cứu, giám định.

Qua giám định kỹ lưỡng, các nhà khoa học xác định đây là chiếc Linga có niên đại vào khoảng thế kỷ VIII, trùng khớp với thời kỳ xây dựng tháp Pô Dam. Kích thước Linga vàng cao 6,6cm; đường kính thân 5,35-5,49cm; đường kính vành 5,8-6,0cm; có trọng lượng 78,36 gram; hàm lượng vàng chiếm tỷ lệ 90,4%.

Linga là vật thờ quan trọng trong các di tích kiến trúc tôn giáo cổ thuộc văn hóa Chămpa ở miền Trung Việt Nam và các nền văn hóa cổ đại khác trong khu vực Đông Nam Á. Linga tả thực bộ phận sinh dục nam giới, tượng trưng cho nguồn sống, sự sinh sôi nảy nở. Trong đạo Bà La Môn, Linga tượng trưng cho thần Shiva, vị thần hủy diệt và tái sinh.

z6092706559648-0196f76922f5d98c6f35ce30b52e0ba2-4656.jpg

Theo Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, Linga vàng được tìm thấy ở cụm tháp Pô Dam có kích thước và khối lượng lớn hơn nhiều so với các Linga vàng khác từng được tìm thấy trước đây. Linga vàng được chế tác bằng phương pháp đúc từ khuôn chứ không phải bằng phương pháp gò hay dập nổi như đa phần di vật vàng phát hiện ở văn hóa Óc Eo - Ba Thê (An Giang) hay ở khu đền tháp Cát Tiên - Lâm Đồng.

Điều đặc biệt, những chi tiết trên Linga hình tròn, thân trong và ngoài trơn nhẵn, dưới đế chạy những đường viền mỏng, chứng tỏ xưa kia những người thợ thủ công Chăm đã đạt đến một trình độ khá cao trong nghệ thuật kim hoàn.

Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này đã mở ra một chương mới trong việc nghiên cứu về văn hóa Chămpa. Chiếc Linga vàng không chỉ là một bằng chứng sinh động về sự giàu có và phát triển của vương quốc này mà còn là một biểu tượng của tín ngưỡng và nghệ thuật Chămpa.

Sau hơn 10 năm tìm thấy, tháng 1-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Linga vàng được phát hiện dưới chân cụm tháp Chăm Pô Dam là Bảo vật quốc gia. Đến tháng 10-2024, trong dịp Lễ hội Katê của đồng bào Chăm tỉnh Bình Thuận, lần đầu tiên Bảo vật quốc gia Linga vàng được giới thiệu ra công chúng, thu hút đông đảo người dân đến chiêm ngưỡng.

Độc đáo bộ sưu tập của Hoàng tộc Chăm

Cách cụm tháp Chăm Pô Dam chừng 50km, chúng tôi tìm về làng Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) ghé thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thềm, nơi đang lưu giữ bộ sưu tập độc bản của Hoàng tộc Chăm. Điểm nhấn trong bộ sưu tập là chiếc vương miện vàng ròng của vua Pô Klong Mơh Nai (ảnh) được chế tác tinh xảo, trên đỉnh có ba đường viền gắn các hạt đá phát sáng long lanh.

Đây được xem là bộ vương miện duy nhất còn được các hậu duệ Hoàng tộc Chăm lưu giữ. Vua Pô Klong Mơh Nai lên ngôi từ đầu thế kỷ XVII đến năm 1627, là một trong những vị vua cuối cùng của Vương quốc Chămpa.

Tin cùng chuyên mục