Chiều 22-11, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia đã chính thức công bố áp thấp nhiệt đới ở Nam biển Đông mạnh lên thành cơn bão số 9, có tên quốc tế là Usagi. Vào hồi 16 giờ chiều 22-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,4 độ vĩ Bắc - 115,2 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.
Bão đổi hướng
Trước mắt, bão có dấu hiệu đổi hướng từ hướng Tây sang hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Dự báo, đến 16 giờ ngày 23-11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,5 độ vĩ Bắc - 112,2 độ kinh Đông, chỉ còn cách bờ biển các tỉnh Nam Trung bộ khoảng 320km về phía Đông.
Đến 16 giờ ngày 24-11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,2 độ vĩ Bắc - 109,2 độ kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền khu vực Nam Trung bộ - Đông Nam bộ sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Từ ngày 24 đến 27-11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức báo động 1-2 và trên 2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức báo động 2-3 và trên 3.
Sẵn sàng di dân
Chiều tối 22-11, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện 1671/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung ứng phó với bão Usagi và mưa lũ. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời chỉ đạo, triển khai các phương án ứng phó.
Công điện nêu rõ, đối với trên biển và các đảo, tiếp tục tổ chức rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, nhất là đối với các tàu thuyền hoạt động xa bờ để hướng dẫn di chuyển không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc kêu gọi về nơi tránh trú an toàn.
Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị, khẩn trương rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm.
Đối với khu vực miền núi, nhất là miền Trung và Tây Nguyên, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu.
Vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phù hợp để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, đồng thời đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.
Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.