Sáng 14-6, tại tòa soạn Báo Tuổi Trẻ đã diễn ra Lễ khai giảng Chương trình hợp tác đào tạo giữa Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Báo Tuổi Trẻ.
Gần 200 sinh viên đại học chính quy thuộc hai ngành quan hệ công chúng và truyền thông đa phương tiện của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tham gia khóa đào tạo trực tiếp tại Báo Tuổi Trẻ.
Đây cũng là mô hình đào tạo ngành truyền thông mới tại Việt Nam. Lần đầu tiên tại Việt Nam, một cơ quan báo chí tham gia đào tạo một số học phần trong chương trình đại học chính quy. Việc đào tạo được theo hướng tập trung thực hành, tiếp cận thực tiễn, tạo ra sản phẩm truyền thông thực tế.
Gần 200 sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ học các môn: Tổ chức ảnh trên các phương tiện truyền thông; Sản xuất sản phẩm truyền thông điện tử; Thiết kế ấn phẩm truyền thông hoàn toàn tại tòa soạn Báo Tuổi Trẻ.
Các phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý nhiều kinh nghiệm làm báo và giảng dạy của Báo Tuổi Trẻ trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn thực hành.
Ngoài việc được cung cấp kiến thức nền tảng của học phần, hướng dẫn thực hành ngay tại chỗ, sinh viên sẽ được đưa về các phòng ban với sự hướng dẫn của phóng viên, biên tập viên, cùng tham gia sản xuất các sản phẩm thực tế. Điều này giúp sinh viên vững lý thuyết, chắc thực hành, nắm được phương thức và quy trình sản xuất một sản phẩm truyền thông, tổ chức sự kiện.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo trong thời đại số, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Báo Tuổi Trẻ cùng tiến hành xây dựng chương trình và nội dung môn học theo hướng bắt kịp và đón đầu xu thế phát triển của lĩnh vực quan hệ công chúng và truyền thông hiện nay.
Nói về mô hình đào tạo mới này, PGS-TS Vũ Quang Hào, Trưởng Khoa Truyền thông sáng tạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết đào tạo báo chí truyền thông ở Việt Nam lâu nay chỉ được thực hiện ở giảng đường đại học, có kiến tập và thực tập tại các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, đặc thù nghề nghiệp đòi hỏi sinh viên phải được tiếp cận thực tế sớm.
“Với mô hình đào tạo mới này, một số học phần thực hành sẽ được đưa về cơ quan báo chí trực tiếp giảng dạy. Điều này giúp tận dụng tối đa khả năng, trình độ, kinh nghiệm của các nhà báo cũng như các trang thiết bị kỹ thuật của báo. Đặc biệt là kiến thức, kỹ năng làm báo, tư duy truyền thông - điều mà trường đại học không thể dạy ở giảng đường. Sinh viên sớm tích lũy được tư duy truyền thông khi được phóng viên hướng dẫn, tham gia sản xuất sản phẩm thực tế. Đó là cách học tư duy từ những người thầy thực chiến”, PGS-TS Vũ Quang Hào nói.