Bộ VH-TT-DL vừa tổ chức Hội nghị - Hội thảo lấy ý kiến góp ý Hồ sơ Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), ngày 23-11 tới là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam; cùng với đó là câu chuyện gây tranh cãi trong các hội nhóm văn hóa, lịch sử khi một nữ ca sĩ bày tỏ quan điểm “Văn hóa không bảo tồn được, văn hóa phải phát triển theo kiểu nó phải làm ta thích thú ấy... nó liên quan gì đến mình đâu mà mình phải bảo tồn”. Có lẽ, quá đủ lý do để nói một cách thẳng thắn về câu chuyện bảo tồn, mà chủ thể ở đây là lĩnh vực văn hóa.
Dưới lăng kính cá nhân, ai cũng lý lẽ cho lập luận của mình, nhưng ở đây bài viết không phán xét đúng - sai, không công kích ý kiến của cô ca sĩ kia hay bất kỳ ai. Chỉ đơn thuần là những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng chúng tôi bày tỏ những suy nghĩ của mình. Văn hóa phải “sống”, và như con người có tổ có tông, có con có cháu, có sự tiếp nối gọi là truyền thống. Nếu văn hóa bị đứt gãy, không có sự tiếp nối đó, người ta gọi là “lạc nòi”. Giá trị của việc bảo tồn văn hóa chính là kết nối lại truyền thống đó.
Trong dòng chảy phát triển của xã hội đương thời, có những nền nếp xưa, thói quen cũ nếu không còn phù hợp trong cuộc sống 4.0, tất nhiên tự khắc nó sẽ bị loại trừ. Nhưng cũng có những giá trị, mà dù ai đó có trở thành công dân toàn cầu, hay xuất sắc đến nhường nào đi chăng nữa cũng vẫn giữ cho mình như một lẽ sống ở đời: Truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới hay tương thân tương ái… Những điều tốt đẹp đó, là giá trị bất biến và nó cũng là di sản văn hóa tốt đẹp của một dân tộc. Rõ ràng cái gọi là di sản văn hóa không mông lung như một bộ phận người trẻ hiện nay vẫn ngộ nhận. Có thể bạn đang sống trong cái di sản đó, được chính ông bà, cha mẹ và thậm chí có khi chính trong tiềm thức của bạn đang bảo tồn nhưng vẫn cho rằng không thể bảo tồn hay không cần bảo tồn.
Sự bảo tồn văn hóa là từ ý thức được tầm quan trọng của văn hóa, nhưng công việc đó không khô khan và rập khuôn. Có những thiên tài, cả đời chỉ gắn với một dòng nhạc, những danh họa thế giới với cả gia tài sáng tác chỉ có duy nhất một chất liệu hội họa… Việc lặp lại đó, chẳng có gì gọi là nhàm chán cả. Cũng giống như khi làm việc, nhất là những công việc liên quan đến sáng tạo, sẽ có lúc người ta rơi vào trạng thái bí ý tưởng, vậy thì quay lại với một chút vốn cũ, tìm ra sự mới mẻ trong cái vốn cũ đó, thú vị đến chừng nào! Văn hóa cũng là kiến thức, người bảo tồn là người giữ lại kiến thức đó cho người sau cần đến.
Nhìn khách quan thì cũng ngẫm lại chủ quan, chuyện bảo tồn văn hóa trong nước hiện nay, vẫn còn nhiều tiếng thở dài. Cụ thể ở những điểm di tích, công trình kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng, ngày xôm tụ nhất có lẽ là ngày trao bằng công nhận, hoặc họa may thì có chút hoạt động theo kiểu “xuân thu nhị kỳ”. Còn hàng ngày, chỉ có mỗi những người quản lý, trông coi lặng lẽ ra vào. Bảo tồn di sản văn hóa vật thể hay phi vật thể, không chỉ là giữ đúng với giá trị khởi nguồn, mà còn phải làm cho nó “sống”, hòa nhịp cùng mạch chảy xã hội đương thời. Không thể chỉ việc “đắp chiếu” cho di sản an toàn khỏi hư hỏng, hay quét bụi cho đỡ úa màu năm tháng rồi gọi đó là bảo tồn.
Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa như gốc với ngọn, không tách rời nhau. Có khi bảo tồn để phát triển, có lúc phát triển để bảo tồn. Nếu nói bảo tồn kìm hãm phát triển, thì điều đó là trì trệ, hư mục; nếu nói phát triển mà bỏ qua bảo tồn thì vốn liếng tất yếu chỉ là vay mượn, là cắt cái ngọn văn hóa sẵn có ở đâu đó gắn ghép vào thôi, sự phát triển như vậy là dạng thời vụ, không thể kéo dài.
Việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa đôi khi có thể có những định hướng và yêu cầu khác nhau, nhưng hai phía phải tôn trọng nhau, không nâng phía này cũng không được dìm phía kia… Và có những giá trị di sản văn hóa không cần phải tranh cãi hay tìm cách chứng minh cần bảo tồn hay không, bởi nó đã qua thử thách của thời gian, song hành cùng lịch sử và sự phát triển của dân tộc, để mỗi người Việt hôm nay phát triển từ nền tảng tốt đẹp ấy, xây dựng cho mình một bản sắc, tự hào hai tiếng “Việt Nam” trong môi trường hội nhập toàn cầu.