Tham dự hội thảo có trên 100 đại biểu là các nhà khoa học trong và ngoài nước, nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc.
Các tham luận tại hội thảo đã nêu ra quá trình phát triển và giá trị tiêu biểu của nghệ thuật làm gốm thủ công truyền thống của người Chăm; mối quan hệ của gốm Chăm với các trung tâm gốm ở Việt Nam và thế giới…
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho rằng làng Chăm Bàu Trúc có truyền thống sản xuất gốm lâu đời và tiêu biểu không chỉ ở Việt Nam mà cả ở khu vực Đông Nam Á. Gốm Chăm Bàu Trúc tiêu biểu bởi sản phẩm gốm được chế tác hoàn toàn thủ công, nắn bằng tay không dùng bàn xoay. Sau khi chế tác được nung lộ thiên cho ra những sản phẩm gốm độc đáo, mang tính độc bản cao với những nét đặc trưng văn hóa Chăm không lẫn với sản phẩm gốm ở nơi khác.
UBND tỉnh Ninh Thuận đang phối hợp Bộ VH-TT-DL xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” để đề nghị UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.