PGS-TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng Xô viết Nghệ Tĩnh là sự cáo chung của các phong trào yêu nước theo khuynh hướng cải lương, cầu ngoại hoặc mang cốt cách phong kiến kéo dài trong những thập niên trước; khai mở cuộc tổng diễn tập đầu tiên của Đảng và quần chúng cách mạng chuẩn bị cho cuộc Tổng Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Sự kiện tạo tiền đề xây dựng khối liên minh công nông đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; có ý nghĩa đặt nền móng cho việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân - lực lượng có vai trò quyết định cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa Sở VH-TT Nghệ An, cho biết, hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh trải rộng trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Riêng trên địa bàn Nghệ An hiện có khoảng 400 di tích liên quan đến phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, trong đó có 40 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Một số di tích đã và đang được đầu tư, tu bổ, tôn tạo nhưng do không bố trí được nguồn vốn nên vẫn còn dang dở, trong khi đó những hạng mục đã hoàn thành lại bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp hoặc có những di tích đã được đầu tư tu bổ nhưng do kinh phí ít nên việc sữa chữa còn mang tính chắp vá.
Bà Hoàng Thị Khánh, Phó trưởng Ban Quản lý Di tích tỉnh Nghệ An, cho rằng, làm tốt công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích Xô viết Nghệ Tĩnh sẽ giúp xây dựng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cũng như yêu mến miền quê xứ Nghệ. Địa phương cũng cần tăng cường các giải pháp phát huy giá trị hệ thống các di tích để thu hút du khách đến với di tích, vừa góp phần phát triển kinh tế, đồng thời tạo nguồn thu để tái đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích.