Đàn voi châu Á ở Đồng Nai được phát hiện qua công tác điều tra của dự án bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai giai đoạn năm 2014-2020 là 14 con. Trải qua thời gian không ngừng nỗ lực để bảo tồn, đàn voi châu Á đang phát triển tốt với khoảng 20 con. Đàn voi sống chủ yếu ở Vườn Quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú), Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu) và khu vực đất rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà (huyện Định Quán) quản lý.
Số liệu của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, voi 19 lần xuất hiện, gây ra 32 vụ phá nương rẫy, hoa màu của các hộ dân sống trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai; xuất hiện 61 lần, gây ra 83 vụ phá nương rẫy, hoa màu tại huyện Định Quán. Lực lượng kiểm lâm các địa phương khuyến cáo, khi voi rừng xuất hiện, các hộ dân cùng cơ quan chức năng tiến hành xua đuổi, đồng thời thống kê thiệt hại để UBND các huyện kịp thời có chính sách hỗ trợ.
Nhằm bảo tồn voi, ngăn chặn xung đột giữa voi và người, năm 2017, tỉnh Đồng Nai chi 85 tỷ đồng xây hàng rào điện dài 50km tại các xã Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) và xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Hiện voi rừng thường xuất hiện tại khu vực chưa có hàng rào điện. Để ngăn voi, tỉnh Đồng Nai đã lên kế hoạch xây thêm 25km hàng rào điện ở ấp 5, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) kéo dài đến ấp 4, xã Tà Lài và xã Đắc Lua (huyện Tân Phú). Diện tích vùng sinh sống của đàn voi rừng ở Đồng Nai hơn 42.000ha, khoảng trống để voi đi ra khỏi rừng trong phạm vi khoảng 400km. Những khu vực tiếp giáp còn lại, người dân thường trồng cao su, voi sẽ không ra vì không có thức ăn. Do đó, hàng rào điện chỉ có thể làm ở những vị trí ưu tiên, nơi có đông người dân sinh sống.
Mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp và Tổ chức Humane Society International tại Việt Nam bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai 10 máy ảnh, 60 bẫy ảnh cùng một số thiết bị khác để giám sát đàn voi. Các bên cũng thỏa thuận hợp tác nghiên cứu sinh thái học và xã hội học của loài voi với Trường Đại học Lâm nghiệp - Phân hiệu tại Đồng Nai, nhằm đảm bảo tính liên tục, bền vững của chương trình giám sát, giảm thiểu xung đột giữa voi và người.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, voi ở Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng trong vòng 4 thập niên qua, nhưng sau rất nhiều nỗ lực bảo vệ và phát triển, đàn voi tại Đồng Nai đã cho thấy tín hiệu đáng mừng. Hiện Chính phủ cho phép gia hạn thực hiện “Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam đến năm 2025”, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Đồng Nai tiếp tục các giải pháp bảo tồn đàn voi châu Á, góp phần phát triển bền vững quần thể voi hoang dã tại Việt Nam.