Tại hội thảo, ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, phát biểu: Trong quá trình hình thành và phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã sáng tạo ra những giá trị di sản văn hóa, truyền thống giàu bản sắc, được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ. Trong đó, một số loại hình đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như: Đấu Chiêng của người Co ở huyện Trà Bồng, nghề Dệt thổ cẩm, Đánh Chiêng Ba của người Hrê ở huyện Ba Tơ…
GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho biết, các tỉnh Nam Trung bộ có khoảng 30 dân tộc thiểu số đang sinh sống, sự tập trung của nhiều dân tộc đem lại những sắc thái văn hóa riêng góp phần vào bức tranh chung cho mỗi tỉnh và rộng ra cho toàn vùng, tạo nên sự giao thoa văn hóa, tính đa dạng của văn hóa.
Trong bối cảnh mới với những thay đổi đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi đặt ra nhiều thách thức. Do vậy, GS.TS Lê Hồng Lý nhận định: Vẫn là những việc chúng ta đã và đang làm trong suốt thời gian qua để bảo vệ các di sản văn hóa tộc người thiểu số như: sưu tầm, ghi chép, tư liệu hóa những giá trị, khôi phục và giữ gìn.
Hội thảo có hơn 50 tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa, tập trung các vấn đề văn hóa, văn học dân gian, tín ngưỡng, ẩm thực, lễ hội truyền thống...
TS Nguyễn Đăng Vũ, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi, trình bày tham luận “Lễ ăn trâu nên duy trì hay loại bỏ, qua khảo sát lễ ăn trâu của người Ca dong ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi”.
Theo TS Nguyễn Đăng Vũ, đến nay các hình thức ăn trâu dạng mừng chiến thắng, ăn thề, kết nghĩa… đã không còn tổ chức trên vùng núi Sơn Tây nữa. Thi thoảng người Ca dong có làm lễ ăn trâu chia của cho người chết hay bất lực trước bệnh tật phải cầu viện thần linh. Người Ca dong chỉ gọi lễ thức này là vít kapơ hay pấc kapơ (đâm trâu), bởi họ chỉ lặng lẽ đâm trâu hiến tế, chia của, chứ không tưng bừng như ngày hội ăn trâu chuẩn bị mùa rẫy mới, mừng làng mới, mừng chiến thắng…
Trong dòng chảy bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi, các địa phương cần có chính sách, chủ trương bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Văn Học, Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội Văn học nghệ thuật Bình Định) cho biết, Sở VH-TT, Ban Dân tộc, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định đã khôi phục, tôn tạo xây dựng 74 nhà rông Bana, 34 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi,… Trong đó, hoàn thành công trình sưu tầm, nghiên cứu “Sinh hoạt âm nhạc dân gian người H’rê ở xã An Trung, huyện An Lão”.
Một trong những sáng kiến và hoạt động vô cùng quý báu cho việc đưa các giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số vào sự phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh Nam Trung bộ đang được khai thác thành công như: du lịch văn hóa tộc người, làng văn hóa, homestay, các chuyến du lịch trải nghiệm, chung sống cùng cộng đồng địa phương, liên hoan văn hóa, liên hoan cồng chiêng, hội chợ thổ cẩm, ẩm thực…