Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, như: nhận thức của các cấp, ngành trong bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số; về thực trạng đáng báo động bởi nguy cơ mai một, thất truyền văn hóa dân gian các dân tộc.
Trong những năm qua, ngành văn hóa luôn coi công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, có nơi lạm dụng, khai thác lệch lạc, không đúng định hướng các giá trị.
Theo TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL, các nghiên cứu do UNESCO tiến hành mấy chục năm qua, khẳng định phát triển bền vững là sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển văn hóa. Từ đó suy ra, bảo tồn văn hóa cũng phải đặt ra mục tiêu gắn kết giữa 2 nhiệm vụ phát triển kinh tế song song với phát triển văn hóa, làm cho văn hóa tham gia tích cực vào việc thực hiện mục tiêu cơ bản của phát triển. Như mô hình bảo tồn làng văn hóa bản Quyên của người Tày ở Định Hóa (Thái Nguyên) gắn với phát triển du lịch cộng đồng, hay mô hình bảo tàng hóa di sản văn hóa của người Tày trong khu sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên) là ví dụ điển hình cho mối quan hệ tương hỗ này.
Để giải quyết bài toán bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng cần có cơ chế chính sách phù hợp, đầu tư phù hợp, hiệu quả, tập trung cho chủ thể văn hóa. Một điều quan trọng là thay đổi nhận thức để khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy được vai trò chủ động của chính cộng đồng.
Trong việc gắn liền với phát triển du lịch, cần bảo vệ, tôn trọng ý kiến, đề cao vai trò của cộng đồng. Không nhất thiết người dân phải bỏ kinh tế truyền thống chạy theo du lịch, mà có thể tiến hành song song và làm du lịch theo hướng trải nghiệm, phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng tính đặc thù của mỗi tộc người để tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo.