Việc kết nối với ngành du lịch để tăng cường phát huy giá trị của di tích tại TPHCM hiện cũng tiến triển theo hướng tích cực, với nhiều di tích được TP trùng tu quy mô lớn.
Chậm và thận trọng
Từ nhiều năm trước, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia chùa Giác Viên (quận 11) đã được Sở VH-TT-DL TPHCM lúc đó đưa vào danh sách trùng tu do nhiều hạng mục đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Ngoài tình trạng bị xâm phạm kéo dài suốt nhiều năm và một số nguyên nhân chủ quan, việc trùng tu cho di tích gần 170 năm tuổi này phải kéo dài đến nay. Sau rất nhiều nỗ lực khảo sát hiện trạng và khoanh vùng di tích bảo vệ, từng bước gỡ khó, trong 2 năm 2016-2017, Sở VH-TT TPHCM và Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích TPHCM (gọi tắt là Trung tâm Bảo tồn di tích TPHCM) đã trùng tu và sửa chữa cấp thiết chùa Giác Viên, tổng kinh phí đầu tư trên 55 tỷ đồng.
Ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TPHCM, cho biết, sau khi hoàn tất các hạng mục cấp thiết (như thay mái ngói, rường cột gỗ, tường gạch, các pho tượng cổ…), trung tâm sẽ gia cố và nâng nền cho khuôn viên di tích, kinh phí dự kiến khoảng 20 tỷ đồng. Sau rất nhiều thăng trầm, việc trùng tu tôn tạo di tích chùa Giác Viên đến nay đã đi qua được những chặng đường khó khăn nhất. Đáng mừng, Công ty Dịch vụ du lịch Phú Thọ vừa cho biết đơn vị này sẽ tổ chức tour đưa du khách tham quan chùa Giác Viên khi nơi đây hoàn tất việc trùng tu.
Công phu trùng tu
Một trong những sự kiện thu hút sự chú ý của đông đảo người dân TPHCM gần đây nhất phải nói đến là việc khởi công trùng tu sửa chữa Nhà thờ Đức Bà (Công trường Công xã Paris, quận 1) với quy mô lớn. Linh mục Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Giáo phận TPHCM kiêm Trưởng ban Trùng tu Nhà thờ Đức Bà, chia sẻ: “Với một công trình tôn giáo, một công trình kiến trúc văn hóa lịch sử hơn 140 năm tuổi, tất cả phải được tiến hành hết sức thận trọng”. Phương án được đồng thuận nhất là bằng mọi khả năng có thể, phải phục dựng nguyên gốc kiến trúc và tìm kiếm bằng được những loại vật liệu cùng chủng loại, màu sắc, cùng hãng sản xuất như trước đây.
Phải mất hơn 2 năm kiểm định và khảo sát toàn diện hiện trạng của Nhà thờ Đức Bà, giữa năm 2016, ban trùng tu đã lặn lội đến tận những ngôi làng xa xôi ở Pháp để tìm hiểu về loại tôn kẽm cổ xưa, để lợp lại 2 tháp nhọn phía trên tháp chuông. Cuối cùng, loại tôn kẽm azengar và máng xối sản xuất tại Nhà máy Vmzinc (thuộc Tập đoàn Umicore, Bỉ) tại Pháp được chọn. Quyết tâm tìm loại ngói mũi tên quý hiếm, linh mục Hồ Văn Xuân phải đến Hãng ngói Monier. Ông kể: “Nhìn thấy ngói Marseille (ngói mũi tên) giống y chang ngói cần lợp mái trên của nhà thờ, tôi mừng không tả được. Tôi tiếp tục quay về Paris để khảo sát một số hãng về kính màu, rất may mọi việc đều suôn sẻ”. Tháng 10-2016, linh mục Hồ Văn Xuân tiếp tục qua Đức, tìm hãng sản xuất ngói Meyer-Holsen để mua ngói vảy cá, đồng thời nhờ Công ty Eurohaus đặt hàng giúp ngói âm dương. Do phải làm khuôn riêng cho loại ngói âm dương quá hiếm và chỉ dành riêng cho Nhà thờ Đức Bà nên giá đắt hơn. Nhà thờ cũng quyết định nhập toàn bộ vữa từ Đức về sử dụng cho công trình đồng bộ.
Về 2 quả chuông mới, sau khi so sánh và cân nhắc rất kỹ, nhà thờ quyết định hợp tác với Bollée - hãng đã đúc 6 quả chuông nhà thờ năm 1878 và từng sang Việt Nam vào năm 1978 để khảo sát tư vấn phần hư hỏng tháp chuông. Nhà thờ mua thêm 2 chuông mới, quả lớn 1.000kg và quả nhỏ 650kg. Đồng hồ được lập trình, tới giờ gõ thì phát nhạc, với 1.000 bản nhạc - tùy giờ và từng tính chất buổi lễ. Có 5 hạng mục chính trùng tu là mái ngói, 2 chóp tháp chuông, bộ chuông, tranh kính màu, tường gạch bị bong tróc. Tổng cộng gần 30.000 viên ngói mũi tên, 86.000 viên ngói vảy cá, 10.800 viên ngói âm dương đã về Việt Nam. Tổng chi phí cho đợt đại tu Nhà thờ Đức Bà lần này khoảng 100 tỷ đồng, từ nguồn vốn xã hội hóa… Nếu mọi việc suôn sẻ, việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà sẽ hoàn thành cuối năm 2019 hoặc tháng 6-2020. Suốt thời gian này, nhà thờ vẫn cử hành thánh lễ bình thường, chỉ tạm dừng việc tham quan. Tất cả đều cùng chung nỗ lực nhằm “trả lại nhan sắc” cho một tuyệt tác kiến trúc Roman - Gothic đã gắn liền với lịch sử, đi vào tiềm thức của bao thế hệ người dân Sài Gòn - TPHCM, góp phần tôn vinh vẻ đẹp không gian đô thị chung cho trung tâm TP.
Kết nối để phát huy giá trị
Theo Sở VH-TT TPHCM, những năm gần đây, công tác trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận 5 được đặc biệt quan tâm và phát huy hiệu quả rất tốt. Nhiều công trình di tích ở quận 5 đã trở thành điểm đến tham quan du lịch của du khách trong và ngoài nước như: Đình Minh Hương Gia Thạnh, Hội quán Nghĩa An, Hội quán Tuệ Thành, Nhà thờ Cha Tam, Nhà thờ Chợ Quán...
Được biết, UBND quận 12 đã đầu tư sửa chữa Nhà truyền thống chiến khu An Phú Đông với kinh phí 340 triệu đồng, hoàn tất việc sửa chữa, nâng cấp Khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ. Cuối năm 2016, quận 12 đã hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo và khánh thành Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh, với tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng. Các công trình di tích được đầu tư tôn tạo đã góp phần thiết thực trong giáo dục truyền thống, lịch sử cho các thế hệ trẻ địa phương và sinh viên học sinh trên toàn TP. Giá trị của các di tích lịch sử văn hóa này lan tỏa mạnh mẽ và phát huy hơn nữa qua việc xây dựng tour tham quan du lịch “Hành trình về địa chỉ đỏ”, thu hút hàng chục ngàn lượt bạn trẻ tại TPHCM đến tìm hiểu, tham quan học tập mỗi năm.
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích TPHCM, thời gian vừa qua, TPHCM đã trùng tu, tôn tạo, tu sửa cấp thiết với 20 di tích, tổng kinh phí đầu tư 96 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư 79,5 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa chiếm khoảng 16,5 tỷ đồng. Các di tích được tôn tạo gồm: Mộ và đền thờ ông Phan Công Hớn, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Đình Bình Hòa, Hội quán Nhị Phủ, Đình Nam Chơn, Lăng Võ Di Nguy, Dinh Thống Nhất, Đền thờ vua Hùng và quán Nhan Hương trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Đình Xuân Hòa, Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn, Địa đạo Phú Thọ Hòa, Nhà truyền thống cách mạng người Hoa, cột cờ Thủ Ngữ, mộ và đền thờ Phan Chu Trinh, Đình Tăng Phú, Đình Nhơn Hòa, Đình Bình Quới Tây, Đình Phú Nhuận và Chùa Giác Viên.