Bảo tồn di sản trong dân - Bài 3: Di sản phải “sống”, nhưng sống thế nào?

Dọc miền Trung, vẫn còn không ít những căn nhà 3 gian 2 chái truyền thống, mái lợp ngói âm dương đúng kiểu kiến trúc quen thuộc của những ngôi nhà cổ có hàng trăm năm tuổi ở những làng quê xứ này. Dẫu vậy, đi qua thời gian với nhiều tác động, những giá trị ấy đang dần bị mai một…

“Chảy máu” di sản

Theo ghi nhận ở vài ngôi nhà cổ tại TP Hội An là quán cà phê, các sân vườn được đầu tư ván sàn nhựa hoặc gỗ, xây dựng các công trình phụ làm nơi phục vụ khách hoặc cơi nới nhằm mở rộng không gian sinh hoạt, làm hỏng cảnh quan di tích nhà cổ. Đáng chú ý, nhiều du khách có thú vui đến tham quan, chụp ảnh những quán cà phê có không gian sân thượng ở đường Trần Phú (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Anh D.H., quản lý một quán cà phê trên đường Trần Phú, cho biết, khách có thể chụp ảnh ở những khu vực đã được quán “set-up”, bố trí cho chụp ảnh, không được tự ý leo trèo qua lan can để lên mái ngói âm dương chụp ảnh. Nhân viên của quán túc trực ở các tầng để ngăn chặn những hành vi xấu, không chỉ gây tác động đến nguyên trạng các mái nhà cổ mà còn đe dọa đến sự an toàn của khách.

Trong phố cổ Hội An hiện nay, khoảng 30% các ngôi nhà có chủ là người nơi khác đến mua để kinh doanh, khoảng 40% nhà có chủ là người phố cổ nhưng ra ở bên ngoài, còn di tích thì cho thuê. Hiện chỉ còn khoảng 30% các ngôi nhà là dân phố cổ từ trước đến nay.

V6A.jpg
Một số căn nhà khu vực trung tâm phố cổ Hội An đã được chủ chuyển đổi công năng. Ảnh: Nguyễn Cường

Ông Trần Tấn Nga, 61 tuổi, chủ căn nhà số 87 đường Trần Phú, cho biết, hơn 15 năm trở lại đây, hàng xóm trong khu phố của ông đi ra ngoài sống khá nhiều. Phần vì gia đình thêm người, không thể sống chật chội được nên phải cho thuê lấy tiền ra ngoài sống. Phần vì gia đình lớn, quá đông con cháu nên phải bán để chia nhau lấy vốn làm ăn, mua nhà ở vùng ven.

“Giờ chỉ còn 1/3 người sống trong phố cổ này là dân gốc phố cổ thôi. Đôi khi tôi cũng buồn vì đa phần hàng xóm đã không còn, chủ mới và nhân viên được thuê họ cũng lo buôn bán nên cũng không giao tiếp gì nhiều dù ở ngay cạnh nhau”, ông Nga chia sẻ.

Với đặc thù khu phố cổ Hội An là một di tích có người dân sinh sống hàng ngày nên bài toán bảo tồn và phát triển gắn với nhu cầu của người dân được đặt ra từ sớm. Theo ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, năm 2020, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy chế Bảo vệ di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An dựa theo tham mưu của TP Hội An. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo tồn phố cổ.

Từ việc bán vé vào phố cổ, chính quyền Hội An đã “chia sẻ quyền lợi” từ di sản, trích một phần việc thu phí để hỗ trợ người dân sửa chữa di tích theo từng mức cụ thể. Theo đó, các di tích thuộc sở hữu tư nhân và tập thể được phân loại từ loại 4 đến loại đặc biệt, tùy vị trí nằm dọc trục đường chính hay hẻm. Tỷ lệ hỗ trợ kinh phí để tu bổ, tôn tạo thấp nhất ở loại 4 trên trục đường chính ở mức 40%, loại đặc biệt nhưng nằm trong hẻm ở mức 75% vì đây là vị trí kinh doanh không thuận lợi, khách ít đến tham quan.

Đề cập đến vấn đề “chảy máu” di sản, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, nhìn nhận, đây là vấn đề nhức nhối. Ngôi nhà vừa là di sản vừa là tài sản của cha mẹ để lại cho nhiều anh chị em trong gia đình. Đôi khi do làm ăn thua lỗ, không chung tiếng nói trong chia sẻ quyền lợi, quản lý bảo tồn ngôi nhà được nên không ít nhà quyết tâm bán để chia nhau.

Thông thường, các căn nhà này hay bán cho các chủ đầu tư đến từ Hà Nội hay TPHCM với mục đích chính là để kinh doanh. Mà đã kinh doanh thì họ chủ yếu làm những gì có lợi nhất cho mình chứ không mấy ai quan tâm đến những vấn đề về gìn giữ hay bảo tồn di sản.

“Thành phố đang tính toán thí điểm đưa người dân địa phương trở lại phố cổ nhưng cũng gặp nhiều khó khăn vì chưa có chính sách khuyến khích cho người dân bám trụ lại. Kêu họ ở trong phố cổ, nhà cổ bất tiện nhiều thứ thì đổi lại họ được những gì? Hiện, thành phố rất muốn mua lại những ngôi nhà cổ đã bị bán nhưng kinh phí chưa có, mỗi ngôi nhà hiện nay giá bán lên đến 30-40 tỷ đồng. Cùng đó, cơ chế để mua lại chưa có và chưa có quy định cụ thể nào mua nhà cổ để trở thành tài sản công”, Chủ tịch UBND TP Hội An mong mỏi.

Bảo tồn di sản theo ý riêng

Ngôi nhà cổ của ông Thi Lý Thanh (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) có dáng hình chữ nhật, có tuổi đời trên dưới 200 năm, đến nay đã trải qua 7 đời con cháu thay phiên gìn giữ. Trong năm 2024, ông Thi Lý Thanh tự tìm cách tôn tạo lại các mảnh vườn xung quanh ngôi nhà cổ, sửa chữa tạm các hạng mục bên trong ngôi nhà đang xuống cấp.

“Tôi cũng biết tự sửa sẽ khiến ngôi nhà tổ tiên bị biến dạng nhưng không sửa thì không ở được. Các mảng tường tô vôi ngày xưa nay sứt mẻ, chúng tôi dùng xi măng trám vào. Gạch lót bị sụt lún nhiều lần do lũ nên chúng tôi phải thay bằng gạch men…”, ông Thanh kể.

San sẻ quyền lợi

Tại Thừa Thiên Huế, hình thái nhà vườn Huế từ lâu đã là một phần giá trị tạo nên diện mạo “bài thơ đô thị” của cố đô này. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều khu nhà vườn đã biến mất, một số không nhỏ bị chia năm xẻ bảy, thay đổi cấu trúc nghiêm trọng. Ngay bên trong nhiều khu nhà vườn còn lại hiện nay cũng xuất hiện các công trình xây dựng hiện đại...

Tại khu nhà vườn của gia đình bà Nguyễn Thị Ngộ (số 3 đường Phạm Thị Liên, phường Kim Long, TP Huế) với điểm nhấn là ngôi nhà rường có lối kiến trúc 3 gian 2 chái. Trải qua gần 140 năm, nhiều hạng mục quan trọng của ngôi nhà như: hệ thống mái ngói, khung gỗ bị mối mọt phá, trụ bị vỡ, đứt gãy, thấm dột… xuống cấp nghiêm trọng. Chưa hết, khuôn viên vườn khá nhếch nhác nên chưa thu hút du khách đến tham quan.

Theo bà Nguyễn Thị Ngộ, đầu tháng 9-2024, nhà rường của gia đình bà được hạ giải toàn bộ hệ mái ngói, hệ khung gỗ để phục hồi; hệ thống ván vách, cửa, liên ba, ván trần sẽ được thay thế một số lá cửa, phục hồi các cấu kiện hư hỏng nặng, tu bổ, xử lý một số cấu kiện còn tốt để tái sử dụng…

Ông Trần Song, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế, cho biết, đây là ngôi nhà rường đầu tiên ở TP Huế được tu bổ, chống xuống cấp thuộc Đề án chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023-2026, với số tiền khoảng 1 tỷ đồng. Hiện có hơn 40 nhà vườn ở TP Huế và làng cổ Phước Tích, huyện Phong Điền tự nguyện đăng ký tham gia.

Qua đó, không chỉ góp phần giữ lại được giá trị cốt lõi của văn hóa Huế, phát huy như một giá trị khác biệt của văn hóa Huế mà còn giúp chủ nhân những ngôi nhà này phát triển kinh doanh dịch vụ và tạo được sinh kế, doanh thu từ nhà vườn, phát triển dịch vụ, du lịch mang tính liên kết, tập trung, cùng phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng; góp phần tạo nền tảng xây dựng và phát triển TP Huế trở thành đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường. Đến nay, một số nhà vườn ở TP Huế đã trở thành địa chỉ du lịch, đón khách đến tham quan, trải nghiệm ẩm thực và lưu trú homestay…

Cũng có mô hình ban đầu tương tự TP Huế, tuy nhiên, việc bảo tồn, khai thác nhà cổ do tư nhân quản lý ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng lại đang gặp rất nhiều khó khăn do không thể cân đối lợi ích.

“Thực tế hiện nay, phần lớn nhà cổ đều là sở hữu tư nhân nên quyền định đoạt thuộc về người dân. Do đó, chính sách hỗ trợ như thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị của nhà cổ gắn với nhu cầu của người dân càng phải cân nhắc kỹ”, ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, cho biết.

Cũng theo ông Tân, địa phương đã thử nghiệm mô hình du lịch sinh thái khá thành công khi bao trùm 1 khu vực nhà cổ, đó là mô hình Làng du lịch sinh thái cộng đồng xã Thái Lai, với điểm nhấn giữ chân du khách tại nhà cổ Tích Thiện Đường có đến 200 năm tuổi. Có thể thấy, có cơ chế bảo tồn di sản thuộc tài sản tư nhân không phải dễ hình thành trong một sớm một chiều, cao hơn mọi giải pháp là ý thức người sở hữu.

Tuy nhiên, đó vẫn là vấn đề đường dài, cần thời gian hình thành thẩm mỹ cộng đồng. Việc trước mắt, cần thúc đẩy nguồn lợi kinh tế cũng như thưởng - phạt xứng đáng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thuộc sở hữu công lẫn tư có thể là giải pháp hữu hiệu để di sản “sống” được với đời sống đương đại.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 khóa XV, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (tỉnh Quảng Nam) bày tỏ, đô thị cổ Hội An có đặc thù khác biệt so với hầu hết các di tích khác ở Việt Nam, đây có thể nói là “bảo tàng sống”, có hàng ngàn người dân sinh sống và gắn với quản lý hành chính của 4 phường thuộc TP Hội An.

Việc quản lý di tích ở Hội An không chỉ theo Luật Di sản văn hóa, mà còn chịu tác động của nhiều luật khác như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Đây là quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật với số lượng lớn và đa dạng về loại hình, do đó đề nghị cần phải có cơ chế quản lý riêng.

Tin cùng chuyên mục