Hư nhưng chưa muốn sửa
Một thống kê chưa đầy đủ, sau năm 1975, số lượng nhà cổ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 1.000 căn, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh, thành: Tiền Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Trà Vinh, TP Cần Thơ… Tuy nhiên, con số hiện chỉ còn khoảng 2/3 so với trước. Điển hình như tại Bạc Liêu, năm 2021, tỉnh này có 21 nhà cổ cùng một quần thể công trình kiến trúc phố chợ, nhưng đến năm 2023, giảm còn 17.
Theo phân tích của ông Nhâm Hùng (nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ): “Việc bảo tồn nhà cổ ở khu vực ĐBSCL là rất cần thiết, bởi các ngôi nhà cổ mang yếu tố lịch sử, dấu ấn đậm nét văn hóa cư trú của tiền nhân đi khai phá vùng đất này. Để giữ các kiến trúc nhà cổ tại ĐBSCL, theo tôi, quan trọng nhất là cơ chế, chính sách để hỗ trợ bảo tồn, song song đó là tìm cách phát huy giá trị của các căn nhà cổ”. Sự cần thiết bảo tồn nhà cổ để kiến tạo bản sắc cho vùng đất này là điều dễ nhìn thấy, nhưng di sản đang thuộc sở hữu cá nhân thì muốn bảo tồn dù bằng cách nào đi nữa, điều quan trọng nhất là phải được chủ sở hữu đồng ý.
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu, cho biết, toàn tỉnh hiện có 15 ngôi nhà cổ đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Những năm qua, công tác đầu tư, tu bổ, bảo tồn di tích tại Bạc Liêu được chính quyền địa phương và ngành văn hóa thực hiện, song phải thừa nhận là chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyên nhân lớn nhất là do thiếu kinh phí. “Đối với số nhà cổ do tư nhân quản lý (chưa được công nhận di tích), công tác trùng tu, tôn tạo còn khó khăn hơn. Nhiều nhà cổ bị xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng chủ nhà không có tiền, hoặc không có kiến thức trong lĩnh vực trùng tu nhà cổ, trong khi đó chính quyền địa phương chưa có chính sách hỗ trợ. Có trường hợp, khi ngành chức năng đề cập việc hỗ trợ duy tu, bảo tồn theo chủ trương của nhà nước, chủ nhà cổ không đồng thuận và muốn tự mình sửa chữa theo ý riêng”, ông Nguyễn Văn Quang chỉ ra bất cập.
Tài sản phải theo ý chủ, nhà cổ hay di sản muốn bảo tồn bài bản cũng không phải dễ. Như nhà cổ Bình Thủy (TP Cần Thơ) được xây dựng hơn 150 năm trước, do gia đình ông Dương Chấn Kỷ làm chủ. Đây là công trình kiến trúc mang đậm nét cổ xưa, được chọn làm phim trường cho rất nhiều bộ phim. Vì thế khách du lịch thường đến tham quan, thưởng ngoạn. Tuy nhiên, những năm gần đây, lượng du khách đến đây ít dần, một phần bởi ngôi nhà dần xuống cấp, nhuộm màu rêu phong; mặt khác công tác quản lý, kinh doanh ở đây rất nhếch nhác, xô bồ.
Theo ghi nhận gần đây của phóng viên Báo SGGP, một đoàn du khách người Anh khoảng 10 người ghé nhà cổ Bình Thủy tham quan. Họ được người phiên dịch giới thiệu từng chi tiết về ngôi nhà cổ, nhưng cũng giống như những du khách khác, họ chỉ xem lướt qua chừng 15 phút rồi đi. Du khách không mấy ấn tượng với cách bài trí và quản lý căn nhà của gia chủ, bởi quá nhiều đồ đạc vật dụng trong nhà bày biện theo kiểu tùy ý gia chủ, không đáp ứng về mặt thẩm mỹ cũng như thiết kế trưng bày để hấp dẫn du khách và thuận lợi trong tìm góc ảnh đẹp để lưu niệm.
Quy hoạch để bớt… mỏi mòn
Để di sản còn thuộc sở hữu tư nhân được bảo tồn và phát huy giá trị, vừa qua UBND tỉnh Vĩnh Long có Quyết định 2312/QĐ-UBND ngày 11-11-2024 phê duyệt “Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu lò gạch, gốm Mang Thít, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045”. Toàn bộ đồ án quy hoạch có tổng diện tích khoảng 3.060ha, dân số 34.200 người (đến năm 2030), 61.900 người (đến năm 2045). Quy hoạch hướng đến hình thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, định hướng là khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch cho tỉnh Vĩnh Long nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.
Ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Toàn bộ diện tích quy hoạch khoảng 3.060ha, bao gồm cả vùng đệm và vùng lõi khoảng 330ha (vùng đậm đặc lò). Hiện nay, về đất đai thì phần nào thuộc sở hữu của dân thì vẫn của người dân, phần nào của Nhà nước sở hữu thì vẫn thuộc Nhà nước. Sau này triển khai quy hoạch thì doanh nghiệp sẽ thỏa thuận với người dân. Cụ thể, người dân có thể lựa chọn hình thức hợp tác với doanh nghiệp, có thể là đối tác, mua bán hoặc hùn hạp… Người dân và doanh nghiệp sẽ tự tính toán. Quan điểm là không phải di dời, thu hồi đất của dân, chủ yếu là tái định cư tại chỗ để người dân hưởng lợi trên chính phần đất của họ”.
Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm, thời gian tới, từ đồ án quy hoạch chung được phê duyệt, tỉnh sẽ thuê tư vấn để triển khai quy hoạch chi tiết (hay gọi là quy hoạch phân khu) với từng khu chức năng riêng biệt. Khi có phê duyệt quy hoạch chi tiết mới tiến hành thêm bước kế tiếp là kêu gọi đầu tư.
Trước mắt, tỉnh sẽ thực hiện công tác tuyên truyền vận động người dân hưởng ứng, ủng hộ quy hoạch; kêu gọi người dân giữ lò, cam kết không phá lò; nỗ lực tổ chức các hoạt động du lịch, đoàn du khách đến thăm, trải nghiệm khu lò gạch, lò gốm dù hiện vẫn chưa có các điểm du lịch hoàn chỉnh; tổ chức vinh danh nghề truyền thống gạch - gốm với sự kiện “Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần 1, năm 2024”. Sự kiện này cũng là dịp để các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế khác tham gia vào phát triển quy hoạch. Vì khu lò gạch, gốm này rất độc đáo, với hơn 700 lò, cả nước hiện không nơi nào còn.
Quy hoạch để bảo tồn các di sản còn thuộc sở hữu tư nhân như khu lò gạch, gốm Mang Thít, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, cũng là một giải pháp để giữ gìn di sản tư nhân. Tuy nhiên giải pháp trước mắt vẫn là thỏa thuận với chủ sở hữu di sản. Điều này phần lớn phụ thuộc vào ý thức giữ gìn và nguồn lợi từ di sản đem lại để thúc đẩy chủ sở hữu bảo vệ di sản… Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cũng đặt vấn đề lo ngại, nếu chủ sở hữu không thích thì di sản cũng mong manh cơ hội bảo tồn. Và vấn đề cần quan tâm chính là chính sách mang lại nguồn lợi trực tiếp, bên cạnh việc nâng cao thẩm mỹ cộng đồng để chủ sở hữu hiểu đầy đủ giá trị di sản mà mình đang giữ, từ đó có giải pháp bảo vệ, tôn tạo.
Liên quan đến quy hoạch biệt thự cổ để bảo tồn, vào tháng 6-2016, chủ căn biệt thự xây dựng từ thời Pháp (số 237 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TPHCM) đã tiến hành tháo dỡ khi chưa xin ý kiến của UBND TPHCM, gây ra sự phản ứng từ các nhà nghiên cứu, bởi ngôi nhà được các chuyên gia, kiến trúc sư và sở ngành trên địa bàn thành phố tạm phân loại biệt thự trên thuộc nhóm 1 (diện di sản văn hóa, cần bảo tồn). Sau đó, việc tháo dỡ bị đình chỉ.
Đến tháng 10-2018, đại diện Hội đồng Phân loại biệt thự TPHCM xác nhận, biệt thự trên đã được UBND TPHCM đồng ý cho phá bỏ. UBND quận Bình Thạnh và Sở QH-KT TPHCM đã đánh giá lại và cho rằng biệt thự trên thuộc nhóm 3 - không cần bảo tồn. Một ví dụ đưa ra để thấy việc quy hoạch di sản còn thuộc sở hữu tư nhân cụ thể như biệt thự cổ, nhà cổ hay công trình kiến trúc - dân dụng… không phải là bài toán dễ dàng. Không ít nhà nghiên cứu văn hóa từng thở dài: “Đôi khi giá trị di sản còn nằm trên cảm tính cá nhân”.