Các biệt thự này có giá trị về kiến trúc - nghệ thuật, cảnh quan đô thị và lịch sử - văn hóa, góp phần tạo nên bản sắc và bề dày văn hóa đô thị. Các biệt thự cũ thường nằm trên khu đất rộng (vài trăm đến vài ngàn mét vuông) tại vị trí đắc địa trên các tuyến đường đẹp ở khu vực trung tâm lịch sử của TPHCM.
Đây là ưu điểm, song cũng là nguyên nhân để các nhà kinh doanh bất động sản muốn được mua lại và tháo dỡ để xây dựng các công trình cao tầng (cao ốc văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại…).
Các tiêu chí phân loại biệt thự
Để có cơ sở xem xét việc giữ gìn các biệt thự có giá trị kiến trúc, lịch sử, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 33/2018/QĐ-UBND ngày 5-9-2018 quy định về tiêu chí đánh giá và phân loại biệt thự cũ trên địa bàn thành phố, theo đó có 2 nhóm tiêu chí đánh giá và phân loại biệt thự cũ:
1. Nhóm tiêu chí chính gồm 3 tiêu chí:
- Tiêu chí 1 (về kiến trúc - nghệ thuật), được đánh giá thông qua tính đặc trưng tiêu biểu cho phong cách thiết kế kiến trúc và nội thất nhất định gắn liền với biệt thự cũ, giá trị nghệ thuật cao của bố cục tổng thể kiến trúc và các chi tiết ngoại thất, nội thất của biệt thự cũ.
- Tiêu chí 2 (về cảnh quan đô thị), được đánh giá thông qua sự đóng góp của biệt thự cũ đối với cảnh quan đô thị do biệt thự cũ nằm trong khu vực đô thị lịch sử (quy định tại các đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt) hoặc thuộc các tuyến, cụm, mảng biệt thự cũ (có từ 3 biệt thự cũ trở lên) trên địa bàn TPHCM. Sự đóng góp của biệt thự cũ đối với cảnh quan đô thị do có vị trí đặc biệt, tạo điểm nhấn, sự nổi bật về quy mô và tính chất nghệ thuật của khuôn viên, sân vườn của biệt thự cũ.
- Tiêu chí 3 (về lịch sử - văn hóa), được đánh giá thông qua tuổi thọ công trình của biệt thự cũ; biệt thự cũ gắn liền với các sự kiện lịch sử nổi bật hoặc nhân vật lịch sử nổi bật; cách tổ chức không gian biệt thự cũ phản ánh các đặc trưng về lối sống, phong cách sinh hoạt qua các thời kỳ của người dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
2. Nhóm tiêu chí phụ với 3 tiêu chí:
- Tiêu chí 1 (về tính nguyên gốc), được đánh giá quá nhiều thay đổi do cải tạo, sửa chữa, cơi nới, xây chen và không thể nhận dạng được kiến trúc, kết cấu nguyên gốc.
- Tiêu chí 2 (về tính toàn vẹn), được đánh giá tại thời điểm hiện tại, khu đất biệt thự cũ bị tách thửa hoặc công trình biệt thự cũ bị chia cắt do nhiều cá nhân, tập thể, tổ chức sở hữu, quản lý, khai thác.
- Tiêu chí 3 (về tình trạng chất lượng biệt thự), được đánh giá có thể sửa chữa, cải tạo, nâng cấp biệt thự cũ để tiếp tục sử dụng và phát huy hiệu quả các giá trị về mặt kiến trúc - nghệ thuật, cảnh quan đô thị, lịch sử - văn hóa.
Những khó khăn trong phân loại, bảo tồn
Sau khi UBND TPHCM ban hành Quyết định 33/2018, Hội đồng Phân loại biệt thự có Công văn số 1198/VNCPT-NCQLĐT ngày 24-12-2018 về quy trình phân loại biệt thự cũ. Đến tháng 5-2019, hội đồng đã tiếp nhận đề nghị phân loại đối với hơn 900 trường hợp biệt thự cũ từ các cơ quan quản lý nhà nước (sở ngành, địa phương…), cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu của biệt thự cũ.
Tuy nhiên, công tác phân loại biệt thự cũ chưa có tiền lệ trên địa bàn thành phố; do đó, tiến độ khá chậm trong thời gian đầu. Công tác phân loại biệt thự cũ có tính nhạy cảm (kết quả phân loại biệt thự ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế - xã hội của các cá nhân, tổ chức sở hữu biệt thự cũ và chịu tác động của dư luận xã hội), đòi hỏi sự thận trọng và thống nhất cao giữa các thành viên Hội đồng Phân loại biệt thự.
Công tác khảo sát hiện trạng phục vụ việc kiểm kê và đề xuất phân loại còn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự thông tin liên hệ của chủ sở hữu biệt thự cũ và thiếu máy móc, thiết bị chuyên nghiệp. Việc lập hồ sơ phân loại biệt thự cũ còn chậm do thiếu ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, đơn vị liên quan; thiếu phiếu kiểm kê và đánh giá biệt thự cũ của đơn vị tư vấn, kết quả kiểm kê và đề xuất phân loại của UBND các quận huyện...
Để đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ phân loại biệt thự cũ, UBND các quận huyện cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, kiểm kê và đề xuất phân loại biệt thự cũ tại địa phương theo chỉ đạo của UBND TPHCM; Sở Quy hoạch - Kiến trúc tăng cường đôn đốc để đơn vị tư vấn (Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc) sớm hoàn thành toàn bộ phiếu kiểm kê và phiếu đánh giá đối với các biệt thự cũ theo Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND của UBND TPHCM.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ UBND các quận huyện, Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc và các cơ quan, đơn vị có liên quan khác (nếu cần thiết), Tổ Kỹ thuật (thuộc Hội đồng Phân loại biệt thự) đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ phân loại biệt thự cũ bằng cách đổi mới phương pháp làm việc và tăng cường trang bị các máy móc, thiết bị chuyên nghiệp.
Hội đồng Phân loại biệt thự cần tiến hành việc thẩm định các hồ sơ phân loại biệt thự cũ một cách chặt chẽ (tăng cường trách nhiệm cá nhân của các thành viên hội đồng về ý kiến trong lĩnh vực chuyên môn của mình) và khẩn trương để sớm hoàn thành danh mục các biệt thự cũ theo 3 nhóm, trình UBND TPHCM phê duyệt.
Nhiều biệt thự có giá trị bị tháo dỡVì nhiều lý do, nhiều biệt thự cũ có giá trị kiến trúc tại TPHCM đã bị tháo dỡ. Mặc dù được thành phố cho phép tháo dỡ nhưng việc “mất đi” 2 biệt thự “100 tuổi” ở đường Lý Tự Trọng, quận 1 và ở số 237 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, vẫn để lại nhiều tiếc nuối cho người dân thành phố. Theo ông Hoàng Minh Trí, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nguyên Chủ tịch Hội đồng Phân loại biệt thự TPHCM, ngôi biệt thự ở đường Lý Tự Trọng có thiết kế hình bánh ú - kiểu kiến trúc rất đặc trưng của Nam bộ những năm đầu thế kỷ 20. Còn ngôi biệt thự trên đường Nơ Trang Long có kiến trúc Pháp khá đặc biệt. Chính sự chậm trễ, thiếu giám sát trong quá trình cho phép chủ nhà sửa chữa (hoặc trùng tu) đã dẫn đến hậu quả 2 ngôi biệt thự ấy bị tháo dỡ. Khi biệt thự trên đường Lý Tự Trọng xuống cấp, chủ nhà có báo ngành chức năng xin sửa chữa, nhưng theo ông Hoàng Minh Trí, chủ ngôi biệt thự đã không làm đúng những gì thông báo. Thay vì chỉ tháo dỡ mái ngói, thay mới chống dột, thay đổi dầm sàn mục nát, đi lại điện nước, lát gạch sơn phết bên trong… thì chủ ngôi biệt thự đã đập phá toàn bộ tường vách ngăn. Với thời tiết mưa, gió như hiện nay, công trình đã 100 tuổi chỉ còn 4 bức tường bao quanh và không còn mái lợp, sẽ mau chóng xuống cấp và hư hỏng hơn nữa, có lẽ vì vậy mà thành phố buộc phải cho họ tháo dỡ. Với ngôi biệt thự ở đường Nơ Trang Long cũng vậy. Người viết bài này đã chứng kiến sự tan hoang của ngôi biệt thự khi bị chủ nhà “sửa chữa”, để rồi cuối cùng thành phố phải cho tháo dỡ luôn. Đáng nói, ngôi biệt thự 100 tuổi ở số 237 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, theo đánh giá của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, là ngôi biệt thự có giá trị về kiến trúc, đã được các chuyên gia trong Hội đồng Phân loại biệt thự TPHCM xếp vào nhóm 1: nhóm có giá trị kiến trúc, văn hóa cần bảo tồn. Hai căn biệt thự gần đối diện nhau, số 68 và 65 Phạm Ngọc Thạch, quận 3, cũng rơi vào tình trạng tương tự, hiện chỉ còn một mảng tường nhỏ có đính họa tiết, hoa văn sót lại đeo lủng lẳng bám vào vách tường của tòa cao ốc bên cạnh, như một dấu tích kiến trúc Sài Gòn xưa, giống như con công đực “chết” vì bộ lông đẹp của nó. Nhiều biệt thự xưa (còn lại) ở Sài Gòn nằm ở vị trí “vàng” trên diện tích rộng đã và đang “bị” các “thợ săn” dòm ngó. Chính trong bối cảnh này, cần hơn bao giờ hết, một cơ chế bảo tồn, gìn giữ các công trình kiến trúc có giá trị nói chung và biệt thự xưa nói riêng, ra đời và đi vào cuộc sống ở TPHCM. TÂM ĐỨC |