Muộn còn hơn không
Tháng 8-2020, sau khi khảo sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 52 của HĐND TPHCM về giám sát công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP, Sở QH-KT đã tập hợp danh sách khoảng 1.550 địa chỉ biệt thự cũ, số biệt thự cũ đã được kiểm kê khoảng 1.058 địa chỉ và ghi nhận khoảng 560 địa chỉ không còn là biệt thự.
Số liệu cho thấy, trong 1.300 biệt thự xây dựng trước năm 1975 đã mất khoảng 600 căn. Trong số đó, nhiều biệt thự cũ có giá trị về lịch sử, văn hóa lẫn kiến trúc đã không còn hiện diện như biệt thự tại số 12 Lý Tự Trọng (quận 1), biệt thự gần 100 năm tuổi ở 237 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), căn biệt thự ở 6B Ngô Thời Nhiệm (quận 3) chưa kịp phân loại để xếp hạng bảo tồn đã bị tháo dỡ… Cá biệt có trường hợp như nhà của cụ Vương Hồng Sển đang vướng mắc thủ tục pháp lý hơn 20 năm nay.
Hai địa bàn tập trung số lượng biệt thự cũ nhiều nhất là quận 1 và quận 3. Thời điểm tháng 8-2020, quận 3 đang có 266 căn và các biệt thự tập trung ở trục đường Tú Xương, khu T78. Mặc dù đã thống kê, lập danh sách sơ loại các biệt thự cũ trên địa bàn, tiến hành phân loại và hướng dẫn quản lý, tuy nhiên do quá trình phân loại kéo dài, một số biệt thự cũ xuống cấp, chủ sở hữu tự ý tháo dỡ hoặc sửa chữa cải tạo khi chưa có phép của cơ quan chức năng, gây khó khăn trong công tác quản lý tại địa phương.
Vấn đề mà quận 3 đang gặp cũng là vấn đề chung hiện nay của công tác bảo tồn biệt thự cũ. Vì vậy, việc UBND TPHCM ban hành danh mục biệt thự cũ trên địa bàn TPHCM đã được phân loại (đợt 4) mới đây, được giới chuyên môn cho rằng “dẫu muộn nhưng còn hơn không”. Bởi với văn bản này, chúng ta có một công cụ để có thể giữ được những giá trị còn lại của biệt thự cũ ở TP.
Chuyên gia về khảo cổ học - TS Nguyễn Thị Hậu bày tỏ sự tiếc nuối mỗi khi có thêm một căn biệt thự cũ “bỗng dưng biến mất”. Đây là câu chuyện không mới, nếu không muốn nói là quá cũ. “Tôi cũng đã nói cách đây 20 năm khi thấy một số biệt thự cũ bị thay đổi công năng, sang tay qua nhiều chủ sở hữu và biến đổi hình thức. Quả thật đây là một điều vô cùng đáng tiếc. Nó cũng giống như các loại hình di sản khác, mất đi thì chúng ta khó có thể tìm lại hay khôi phục được”, TS Nguyễn Thị Hậu bày tỏ.
Theo TS Nguyễn Thị Hậu, nếu chúng ta quan tâm đến di sản đô thị nói chung, trong đó có loại hình biệt thự, sẽ ngăn chặn được tình trạng này. Bởi vấn đề này đang lặp lại tình trạng của Hà Nội sau năm 1954, khi hàng loạt biệt thự do chuyển đổi người sử dụng nên đã thay đổi chức năng, có khi biến thành công sở hay nhà tập thể. Khi biến đổi chức năng, cấu trúc của biệt thự cũng biến đổi. Một nguyên nhân khác, là sự chủ quan từ phía các nhà nghiên cứu văn hóa khi chưa thực sự quan tâm đến loại hình di sản này.
"Trong việc dung hòa lợi ích giữa hai bên, tôi cho rằng đầu tiên phải có một định hướng hoán đổi phù hợp, đôi bên phải cùng có lợi thì mới giải quyết nhanh chóng. Muốn hai bên cùng gìn giữ di sản, phải có một sự tương tác về tài chính. Trong trường hợp không thể bố trí được một nơi tương đương, chính quyền cần tạo điều kiện để những cư dân trong ngôi nhà đó có một cuộc sống ổn định. Họ phải có một vị trí nào đó để có thể vừa kinh doanh, buôn bán vừa sinh hoạt gia đình. Trên cơ sở đó, các đơn vị quản lý mới trùng tu, bảo tồn, gìn giữ được công trình di sản." TS-KTS Bùi Bá Nguyên Khanh giảng viên Đại học Kiến trúc TPHCM |
Phát triển kinh tế di sản
Với riêng công tác bảo tồn biệt thự cũ, khó khăn lớn nhất hiện nay thuộc về những công trình sở hữu tư nhân. Thực tế cho thấy, nhiều người dân không muốn biệt thự rơi vào danh mục bảo tồn vì sẽ hạn chế đầu tư, xây dựng, kể cả ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình. Một khi chưa tìm được phương thức phù hợp, chưa thực sự cân đối được lợi ích về mặt bảo tồn di sản và lợi ích của tư nhân thì câu chuyện bảo tồn biệt thự cũ sẽ còn kéo dài. Và trong thời gian đó, rất có thể lại có thêm biệt thự nào đó “biến mất”.
TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng, trong Luật Di sản văn hóa cũng như các văn bản dưới luật phải có hướng dẫn điều khoản cụ thể, để chủ sở hữu một tài sản - di sản thấy mình có quyền lợi thực sự bên cạnh quyền lợi về mặt tinh thần. “Chúng ta nên có sự tôn vinh về mặt tinh thần, bởi họ là chủ sở hữu di sản, đã bảo tồn hoặc giữ gìn đến nay thì rõ ràng cần phải tôn vinh họ.
Bên cạnh đó, cần phải kèm theo những điều khoản về kinh tế, điều rất bình thường mà thế giới đã làm, đấy là con đường tốt nhất, nó gọi là kinh tế di sản. Phải có ngay những văn bản chính sách cho loại hình kinh tế này, nếu không chúng ta khó có thể giữ được di sản khi không đáp ứng kịp với thực tiễn của đời sống”, TS Nguyễn Thị Hậu nói.
Đồng tình với ý kiến trên, TS-KTS Đặng Thanh Hưng, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, cho rằng, cần phải lưu ý đến lợi ích của chủ sở hữu biệt thự bằng những chính sách ưu đãi riêng. Có thể cho họ được phép kinh doanh (nhà hàng, khách sạn…), lấy tiền từ hoạt động kinh doanh để trùng tu di sản, miễn là họ tuân thủ nguyên tắc bảo tồn. Vấn đề ở đây là kinh doanh như thế nào thì cần có một sự hướng dẫn cụ thể.
TS-KTS Đặng Thanh Hưng nói thêm: “Người dân có quan điểm của họ và đó là tài sản của họ. Quản lý Nhà nước phải đứng ở góc độ của người dân để hiểu, để dung hòa lợi ích giữa hai bên trong việc trùng tu và bảo tồn di sản. Tôi cho rằng, về mặt cơ chế, phải cho người ta thấy được lợi ích của họ. Đây là vấn đề rất quan trọng, chúng ta phải xây dựng được những quy định pháp lý, rõ ràng và cụ thể”.