Từng bước tự khẳng định
Tác giả Guy Mettan nhận định, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Indonesia đang nổi lên như là những cường quốc kinh tế mới của châu Á, bên cạnh Hàn Quốc, Singapore. Việt Nam và Indonesia đang có sự bùng nổ về kinh tế và từng bước khẳng định được vai trò chính trị của mình, không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà còn có vai trò đối với các vấn đề quan trọng của thế giới.
Tác giả Guy Mettan dẫn số liệu, từ tháng 1 đến tháng 7-2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2%/năm, là mức cao nhất trong 5 năm qua. Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 7,5% vào năm 2022, trong khi lạm phát dự kiến sẽ ở mức 3,8%. Bài báo cũng dẫn chứng rằng, Việt Nam đứng thứ 5 trong số 35 thị trường châu Á về độ mở của nền kinh tế, với số điểm 74,6/100, cao hơn hẳn mức trung bình của châu Á (46) và mức trung bình của thế giới (49,5); đồng thời đang nổi lên như một trung tâm sản xuất ở khu vực Đông và Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi các nỗ lực tự do hóa kinh tế của chính phủ và hội nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua các hiệp định thương mại và tư cách thành viên của các khối khu vực và quốc tế. Trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 20 trong 201 thị trường.
Vào tháng 7-2022, hãng Moody's đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 8,5%, dự báo tăng trưởng cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo dự báo mới nhất từ Phòng thí nghiệm tăng trưởng của Đại học Harvard (Mỹ), Việt Nam được dự đoán sẽ là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất trong thập niên tới.
Một bài viết trên tờ báo uy tín hàng đầu của Thụy Sĩ mới đây cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam khi ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, sau khi đã đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Tác giả nhận định, sự khéo léo và trạng thái cân bằng sẽ có lợi cho Việt Nam về lâu dài trong các quan hệ quốc tế.
Đón dự báo tích cực
Trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, kinh tế khu vực trong năm nay có thể đạt mức 3,2%, trước khi tăng tốc lên mức 4,6% vào năm tới. Việt Nam được dự báo dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng là 7,2%, tăng từ mức 5,3% trong dự báo hồi tháng 4. Mức tăng trưởng của một số nước khác trong khu vực được dự báo lần lượt là: Malaysia (6,4%), Philippines (6,5%), Indonesia (5,1%) và Campuchia (4,8%). Dựa trên những số liệu này, Nhật báo La Republica nhận định: “Con hổ châu Á mới trong năm 2022 sẽ là Việt Nam”.
Giới phân tích cho rằng những yếu tố thúc đẩy đà tăng trưởng châu Á là việc các biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19 đã chấm dứt, biên giới mở cửa trở lại, tiêu dùng và sản xuất công nghiệp được tái khởi động. Đồng thời, việc giá hàng hóa gia tăng do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu cũng có tác dụng thúc đẩy các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của khu vực.
Sự phục hồi mạnh mẽ của GDP trong quý 3 của Việt Nam đặt nền tảng cho một kết quả tích cực trong cả năm 2022. Ngân hàng UOB của Singapore cách đây vài ngày đã nâng mức dự báo GDP cả năm của Việt Nam lên 8,2%, cao hơn mức công bố 7% trước đó.