LTS: Các bảo tàng tư nhân mở cửa là tín hiệu mừng trong chặng đường phát huy giá trị di sản - văn hóa - nghệ thuật quốc gia… Tuy nhiên, để tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong hành trình khai thác giá trị di sản văn hóa cho thành phố, đòi hỏi phải đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến sự chung tay của cộng đồng, của nguồn lực xã hội hóa, của chính sách hỗ trợ hợp lý hợp tình.
Bảo tàng Wada: chưa vui đã buồn
Là một trong những bảo tàng tư nhân được cấp phép sớm nhất tại TPHCM, Bảo tàng nghệ thuật Wada (tọa lạc trên đường Trần Đại Nghĩa, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) đi vào hoạt động năm 2012. Bảo tàng do nhà sưu tập Shoichiro Wada (1942-2013), người từng hoạt động ở Việt Nam từ trước năm 1975, thành lập. Ông nguyên là tổng công trình sư của Công ty Hazama, đơn vị đã thiết kế nhiều công trình lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau sự ra đi đột ngột của ông Shoichiro Wada, bảo tàng đã tháo bảng hiệu, dừng hoạt động. Nhiều người tiếc nuối bởi một tâm nguyện đẹp chưa kịp thành hiện thực.
Tìm hiểu quá trình thành lập Bảo tàng Wada, thì đó thực sự là một quá trình gian nan. Ở thời điểm Bộ VH-TT-DL còn là Bộ VH-TT, ông Shoichiro Wada đã nộp đơn xin thành lập bảo tàng tư nhân. Theo trình tự thủ tục mở bảo tàng tư nhân ở thời điểm đó, các hội đồng quốc gia được lập ra để giám định bộ sưu tập và đi đến kết luận các hiện vật của ông là đồ giả cổ, không phải đồ cổ (từ 100 năm trở lên). Kết luận này đồng nghĩa với việc ông không được mở bảo tàng tư nhân và được phép mang hiện vật ra khỏi Việt Nam. Trong khoảng thời gian này, ông Shoichiro Wada vẫn không ngừng sưu tập và tài trợ học bổng cho các sinh viên ngành khảo cổ (thuộc khoa Lịch sử của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM).
Theo tài liệu ghi chép của khoa, thời điểm ấy, PGS-TS Phạm Đức Mạnh (đã qua đời vào năm 2021) là Trưởng Bộ môn Khảo cổ học, đã tìm gặp và biết được câu chuyện và bộ sưu tập của ông Shoichiro Wada. PGS-TS Phạm Đức Mạnh đã chia sẻ: “Ông sưu tầm đủ thứ, thấy món đồ nào thích và mình chưa có là ông mua, trong đó có 602 bức tượng đồng chưa từng thấy ở Việt Nam và châu Á”. Để khẳng định lại giá trị bộ sưu tập của ông Shoichiro Wada một lần nữa, nhóm các chuyên gia và sinh viên ngành Khảo cổ do PGS-TS Phạm Đức Mạnh lập ra để giám định từng hiện vật.
PGS-TS Phạm Đức Mạnh mời GS-NGND Ngô Văn Lệ lập hội đồng và huy động thêm 2 lớp khảo cổ cùng các chuyên gia như: Võ Sĩ Khải - nhà khảo cổ học - chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Óc Eo, GS Cao Xuân Phổ, PGS-TS Ngô Văn Danh, TS Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á… làm việc trong 1 tháng. Kết quả giám định cho thấy, bộ sưu tập của ông Shoichiro Wada không lâu đời như các tượng trên thế giới, nhưng lại có giá trị cao về mặt nghệ thuật. Và cuối năm 2012, UBND TPHCM đã có quyết định cho phép ông Shoichiro Wada mở Bảo tàng Nghệ thuật Wada (bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TPHCM).
Thật tiếc là sau nhiều gian nan, nỗ lực để có giấy phép, nhưng ông Shoichiro Wada đã mất vì tai nạn giao thông vào năm 2013, hiện phía gia đình ông không ủng hộ phương án mở bảo tàng vì nhiều lý do như: đội ngũ vận hành, quản lý… Hiện tại, bộ sưu tập của ông Shoichiro Wada vẫn do gia đình cùng một số nhân viên cũ của ông trông coi và bảo quản. Giấy phép thành lập bảo tàng đã có, nhưng chưa một ngày bảo tàng mở cửa!
Là người hỗ trợ ông Bùi Văn Ngọ trong việc lập hồ sơ xin thành lập bảo tàng tư nhân, bà Lê Tú Cẩm (Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM) cho biết: “Bộ sưu tập có sẵn rất hoành tráng, cơ sở vật chất và trang thiết bị được ông Ngọ và gia đình đầu tư theo tiêu chuẩn để mở bảo tàng, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách tham quan. Nhưng do vấn đề về vị trí, quy hoạch mà bảo tàng không thể hoạt động, đó là một điều rất đáng tiếc”.
Chờ ngày trở lại
Ông Bùi Văn Ngọ (sinh năm 1931, hội viên Hội Mỹ thuật TPHCM) là chuyên gia cơ khí và là người sáng lập Công ty TNHH Cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ. Ngoài cơ khí, ông Ngọ đam mê và tự học vẽ, các tác phẩm do ông sáng tác đang giữ các kỷ lục Việt Nam như: Tượng thiếu nữ đắp bằng đất lớn nhất Việt Nam (năm 2007), Họa sĩ vẽ bức tranh sơn dầu Toàn cảnh lăng Tự Đức lớn nhất (năm 2011), Tác giả đăng ký quyền tác giả tác phẩm mỹ thuật tạo hình nhiều nhất (năm 2012), Cá nhân được cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền nhiều nhất (năm 2013), hai tác phẩm Bức tranh tả cảnh Lễ hội bằng than chì vẽ trên vải bố lớn nhất Việt Nam và Bức tranh sơn mài vẽ cảnh Vịnh Hạ Long khổ lớn nhất Việt Nam vào năm 2020…
Hơn 30 năm qua, ông Ngọ đã sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật và sở hữu bộ sưu tập đáng kể như: bộ sưu tập đá thiên nhiên khoảng 100 hiện vật; các bộ sưu tập về bonsai, hoa kiểng… Đáng chú ý là bộ tranh khoảng 2.000 tác phẩm do chính tay ông tự sáng tác, trong đó có khoảng 1.000 tác phẩm đã được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả. Hiện tại, toàn bộ tác phẩm tranh được gia đình ông Ngọ trưng bày tại nhà triển lãm và bảo quản theo tiêu chuẩn tác phẩm hội họa, nhất là tranh sơn dầu để đảm bảo tác phẩm không bị hư hỏng theo thời gian.
Năm 2019, ông Bùi Văn Ngọ cũng nộp đơn lên Sở VH-TT TPHCM xin mở bảo tàng tư nhân, nhưng hồ sơ thủ tục chưa có phần xác nhận của UBND phường An Lạc (quận Bình Tân). Đến nay, Sở VH-TT TPHCM vẫn chưa thể cấp phép thành lập bảo tàng nghệ thuật tư nhân cho ông Ngọ. Vào năm 2020, ông Ngọ có bản kiến nghị gửi UBND TPHCM xem xét, có phương án điều chỉnh vị trí dự án xây dựng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi tại phường An Lạc (quận Bình Tân) một cách hợp lý.
Theo quy hoạch đã được cơ quan chức năng phê duyệt thì dự án trường học nói trên sẽ thu hồi phần diện tích đất hơn 6.000m2 đã cấp chủ quyền cho gia đình ông Ngọ được dự kiến để thành lập bảo tàng. Nhưng điều đáng nói, trên khu đất này, ông Ngọ đã xin phép xây dựng công trình nhà triển lãm với diện tích sử dụng 5.000m2, khánh thành và đưa vào hoạt động từ năm 2017, trưng bày hàng ngàn tác phẩm tranh mang nhiều giá trị nghệ thuật.
Về phía UBND phường An Lạc, việc không xác nhận vào hồ sơ xin phép thành lập bảo tàng tư nhân của ông Bùi Văn Ngọ vì khu đất ông Ngọ xin phép thành lập bảo tàng nằm trong dự án xây dựng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. Theo UBND quận Bình Tân, đề xuất thành lập bảo tàng ngoài công lập của ông Bùi Văn Ngọ có thể xem xét, bố trí tại vị trí khác. Trao đổi cùng phóng viên Báo SGGP, ông Bùi Văn Ngọ và gia đình cho biết, hiện tại họ cũng tạm dừng dự án thành lập bảo tàng tư nhân và chưa có ngày trở lại cụ thể, một phần vì trưởng dự án vừa qua đời.
Việc phát triển hệ thống bảo tàng cho thấy nhu cầu thưởng thức về mặt tinh thần của công chúng được nâng cao, bởi khách tham quan của bảo tàng đòi hỏi phải có gu thẩm mỹ nhất định, không thể hời hợt hay vội vàng theo xu hướng giải trí thị trường. Tuy hành trình hiện thực hóa giấc mơ bảo tàng tư nhân hiện nay đã đơn giản hơn, không còn yêu cầu hiện vật phải là cổ vật (từ 100 năm trở lên), nhưng không ít giấc mơ thành lập bảo tàng tư nhân chưa thể trở thành hiện thực.
Theo quy định hiện hành, yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính để thành lập bảo tàng tư nhân gồm: Có sưu tập theo một hoặc nhiều chủ đề; có nơi trưng bày, kho và phương tiện bảo quản; có người am hiểu chuyên môn phù hợp với hoạt động bảo tàng; đáp ứng các tiêu chí về quy mô (mở cửa thường xuyên phục vụ khách tham quan tối thiểu 5 ngày/tuần)… Dựa trên những quy định này, giấy phép hoạt động của Bảo tàng Nghệ thuật Wada cũng là điều khiến nhiều người trong giới trăn trở. Bảo tàng không hoạt động, liệu giấy phép có bị thu hồi? Nếu thu hồi thì quá tiếc nuối cho tâm nguyện và bộ sưu tập của người quá cố.
Đại diện Phòng Di sản văn hóa (Sở VH-TT TPHCM) cũng cho biết: “Hiện chúng tôi vẫn quan tâm, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của gia đình ông Wada. Trong trường hợp nếu không cần thiết nữa, họ có thể nộp đơn xin giải thể, bộ sưu tập vẫn thuộc sở hữu và trưng bày của gia đình”.