Tự thân đã nhiều trăn trở
Điểm đặc biệt của bảo tàng ở TPHCM là đa phần được đặt ở những công trình kiến trúc, dinh thự cũ, nhất là các dinh thự kiểu Pháp. Chính vì vậy, ngoài là nơi lưu giữ hiện vật, di sản, bản thân một số bảo tàng cũng chính là những di sản kiến trúc độc đáo. Điều đó có vẻ như mang lại sự trọn vẹn cho khách tham quan khi vừa có thể tìm hiểu hiện vật trong bảo tàng vừa thưởng ngoạn di sản kiến trúc, thế nhưng ngược lại, di sản kiến trúc lại thành trở ngại cho sự phát triển của bảo tàng.
Khoác chiếc áo di tích, những công trình đã tồn tại ít nhất hơn 100 năm đã xuống cấp dần theo thời gian. Tuy nhiên, việc trùng tu lại chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, bởi việc trùng tu những công trình này phải tuân theo thủ tục trùng tu di tích vốn rất phức tạp… Cũng vì thế, chuyện tường bong tróc, nền lún, nứt, thấm, thậm chí ngập khi mưa… là tình trạng chung từ vài năm qua của một số bảo tàng, như Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Lịch sử TPHCM hay Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.
Một thực tế cần nhìn nhận, là địa phương có lượng bảo tàng khá nhiều trong cả nước, tuy nhiên thói quen đến bảo tàng của người dân thành phố chưa cao. Nhiều bảo tàng gần như bị “bỏ quên”, như Bảo tàng Địa chất TPHCM, lưu giữ hàng chục ngàn mẫu đá, các lõi khoan cùng nhiều sưu tập mẫu khoáng sản…, tọa lạc ngay vị trí trung tâm thành phố (quận 1), nhưng không mấy khách tới lui. Ông T. (người trông coi ở đây) cho biết: “Bảo tàng mở cửa từ thứ hai đến thứ sáu, đóng cửa cuối tuần. Mà chủ yếu là khách nước ngoài, ít khách trong nước lắm. Mùa dịch này càng không có khách nào hết”.
Một số bảo tàng công lập hay các bảo tàng thuộc đơn vị quân đội quản lý cũng trong tình trạng tương tự, dù mở cửa tham quan tự do nhưng chẳng mấy khách đến và hoạt động trưng bày hay triển lãm trong năm chỉ đôi lần vào các dịp lễ tết. Hoặc chỉ có những đoàn khách đến theo chương trình ngoại khóa của cơ quan, công sở buộc phải đi, nhưng chẳng mấy ai quay lại lần 2, lần 3.
Nhìn nhận vấn đề này, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài, chia sẻ: “Nhìn từ thực tế, nhu cầu đến bảo tàng của người dân vẫn chưa cao, kể cả truyền thông, báo chí cũng chỉ đưa tin về bảo tàng khi có sự kiện, còn lại rất ít người quan tâm. Ngày 18-5 là Ngày Quốc tế Bảo tàng nhưng gần như chỉ người làm trong lĩnh vực này mới biết, còn lại không ai hay, đó là yếu tố khách quan. Về mặt chủ quan, mỗi bảo tàng cần xây dựng chính sách công chúng sao cho thật hấp dẫn; mỗi độ tuổi khách tham quan đều tìm thấy những tương tác phù hợp, có như vậy mới thu hút và khách hào hứng trở lại lần 2, lần 3”.
“Bảo tàng ảo” cũng hụt hơi
Từ tháng 6-2021, Bảo tàng Lịch sử TPHCM triển khai thử nghiệm dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360” phục vụ khách tham quan từ xa. Khi các ứng dụng, phần mềm công nghệ hỗ trợ ngày càng nhiều, việc xây dựng fanpage, website hay bảo tàng ảo không còn quá khó khăn. Nhưng câu chuyện đường dài để duy trì và phát triển “bảo tàng ảo” không dễ. Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM, trăn trở: Có nhiều giải pháp kỹ thuật để xây dựng bảo tàng ảo, tùy theo phương án, thiết kế và đối tượng công chúng mà bảo tàng hướng đến. Khó khăn hiện nay của các bảo tàng không phải đến từ vấn đề công nghệ, mà từ kinh phí đầu tư vận hành, bảo trì giải pháp công nghệ cũng như nhân lực và trang thiết bị kèm theo. Dù vậy, công nghệ không phải là phần chính yếu mang tính chất quyết định, nó giống như phần “xương” (kỹ thuật) mà bảo tàng phải đắp vào đó phần “thịt” (cơ sở dữ liệu/hình ảnh/hiện vật…) để có thể tạo nên một hình hài hoàn chỉnh.
Hiện tại, dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360”của Bảo tàng Lịch sử TPHCM đang trong quá trình thử nghiệm và được tài trợ đến cuối tháng 12-2021. “Chúng tôi một mặt tiếp tục kêu gọi tài trợ, mặt khác cũng tìm kiếm các giải pháp mang tính khả thi trong điều kiện khó khăn về kinh phí hoạt động cũng như đề xuất dự án “bảo tàng ảo” trong tương lai”, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm.
Để giải bài toán “vắng như bảo tàng”, việc ứng dụng công nghệ trong trưng bày, thiết kế chính sách công chúng phù hợp, hấp dẫn, xây dựng “bảo tàng ảo” để tăng tương tác với khách, thích nghi với tình hình dịch bệnh là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, cũng cần có sự vào cuộc của các đơn vị quản lý. Một giám đốc bảo tàng tại TPHCM bày tỏ: “Lâu nay, đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực này chưa có nhiều hoạt động quảng bá hoặc xây dựng các chương trình dành riêng cho lĩnh vực bảo tàng, để thu hút công chúng quan tâm”.
Sau khi TPHCM nới dần các biện pháp chống dịch, một số hoạt động vui chơi, địa điểm tham quan đón khách trở lại. Thống kê tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM, sau 2 tuần mở cửa, mỗi tuần chỉ đón tầm 50 khách… Một con số quá ít để có thể duy trì các hoạt động của bảo tàng, nhất là ở bảo tàng công lập. Đây là giai đoạn gần như xoay hướng nào cũng vướng khó khăn, cần được sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn từ đơn vị chủ quản.
Bảo tàng ảo (Virtual Museum) không chỉ là giải pháp để các bảo tàng thích ứng trong tình hình dịch bệnh và giãn cách xã hội, mà còn là xu hướng phát triển chung trong thời đại số. Đầu tháng 11 vừa qua, Hội thảo quốc tế trực tuyến “Mục tiêu phát triển bền vững - Những chuyển đổi bảo tàng sáng tạo” do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (VME)… phối hợp tổ chức trên nền tảng Zoom. Trong lúc TS Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, trình bày tham luận Tham quan bảo tàng trực tuyến - Một hướng đi mới cho du lịch thời Covid-19, thì cùng lúc, một buổi tham quan trực tuyến bảo tàng dành cho hơn 100 sinh viên Trường Đại học Ngoại thương cũng được tiến hành. Con số khách tham gia trực tuyến đông như vậy là điều đáng mừng. |