Giấc mơ còn dài
Tác động của đại dịch Covid-19 buộc các bảo tàng tiếp cận công chúng qua hình thức trực tuyến, nhiều bảo tàng trên thế giới bắt đầu bán tour tham quan từ xa cho du khách từ năm 2020 như Bảo tàng Louvre (Pháp), Bảo tàng British Museum (Anh), Bảo tàng Van Gogh Museum (Hà Lan), Bảo tàng State Hermitage (Nga)…
khu vực trưng bày tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
Nguồn thu của bảo tàng không chỉ đến từ hình thức bán vé trực tiếp, việc khai thác từ “bảo tàng ảo” hứa hẹn mở ra thêm nhiều nguồn thu cho bảo tàng. Ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Vietsoftpro, bày tỏ: “Nhiều bảo tàng trong khu vực và trên thế giới, nguồn thu từ việc khai thác bảo tàng ảo của họ rất cao, tuy nhiên ở Việt Nam hình thức này chỉ mới bắt đầu và mang tính thử nghiệm. Điều này rất tiềm năng trong tương lai, ví dụ như một giờ học của học sinh tiểu học ở Hà Nội, muốn tìm hiểu về một bảo tàng tại TPHCM hay ngược lại, chúng ta không thể đưa học sinh đi trực tiếp được. Những tour trực tuyến kết nối như vậy là giải pháp và sẽ là nguồn thu trong tương lai cho bảo tàng. Và khi số hóa bảo tàng, chúng ta không chỉ bán vé trực tuyến mà còn có thể khai thác dữ liệu cho việc nghiên cứu, học tập, chia sẻ thông tin”.
Tuy nhiên, nguồn thu từ việc khai thác bảo tàng ảo trên thực tế vẫn còn mong manh. Đại diện một bảo tàng tại Hà Nội, đã bắt đầu khai thác nguồn thu trực tuyến từ năm 2021, chia sẻ: “Chúng tôi cũng vận động nhiều nguồn để duy trì và phát triển dự án số hóa bảo tàng, còn việc thu lại vẫn chưa đáng kể. Kinh phí đầu tư và khoản thu lại còn chênh lệch rất xa”.
Cốt lõi vẫn cần nội dung
Công nghệ và mạng xã hội mở ra các kênh để bảo tàng tự quảng bá cho mình, tuy nhiên nền tảng quyết định vẫn là nội dung mà tự thân các bảo tàng cần phải có, để tạo sức hút.
Bà Đinh Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, chia sẻ: “Công chúng có biết đến mình hay không thì yếu tố truyền thông là rất quan trọng. Nhưng muốn truyền thông tốt phải xem lại nội dung mình có gì để thu hút và giữ chân khách tham quan. Truyền thông quá đà mà thực tế sơ sài thì khách chỉ đến một lần. Chính nội dung sẽ làm cơ sở dữ liệu để mỗi bảo tàng đưa vào các dự án số hóa và khai thác trực tuyến. Có công nghệ hiện đại hỗ trợ tối đa nhưng bảo tàng không có nhiều nội dung hấp dẫn thì làm sao thiết kế được những chương trình trực tuyến hấp dẫn?”.
Một trăn trở khác khi số hóa trong lĩnh vực bảo tàng chính là kinh phí. Bởi chi phí cho công nghệ không nhỏ, trong khi nguồn thu vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan. Bảo tàng Lịch sử TPHCM là một trong những bảo tàng ở thành phố đi đầu trong việc thử nghiệm mô hình bảo tàng ảo, với dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360”. Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM, chia sẻ: “Khó khăn hiện nay của các bảo tàng không phải đến từ công nghệ, trong nước đã có nhiều công ty tiếp cận và thực hiện được những giải pháp công nghệ bảo tàng ảo. Nguồn kinh phí đầu tư cho nhân lực, trang thiết bị kèm theo để vận hành, bảo trì… mới là bài toán khó cho các bảo tàng. Công nghệ giống như phần “xương” (kỹ thuật) mà bảo tàng phải đắp vào đó phần “thịt” (cơ sở dữ liệu, hình ảnh, hiện vật…) để có thể tạo nên một hình hài hoàn chỉnh”.
Nhiều bảo tàng cũng đặt ra lo ngại, khi bảo tàng ảo phổ biến, rất có thể lượng khách trực tiếp đến bảo tàng sẽ giảm mạnh, thậm chí là không còn. Do vậy, làm thế nào cân bằng giữa ảo và thực tế cũng là một thử thách cho các bảo tàng hiện nay.
Ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Vietsoftpro, cho rằng: “Chuyển đổi số là chấp nhận cái mới và phải thay đổi, vì bước đi đầu tiên nào cũng khó khăn. Trước hết là thay đổi trong tư duy, cách làm và cách quản lý của người làm công tác bảo tàng. Từ đó chúng ta sẽ tìm ra những mô hình, giải pháp công nghệ phù hợp với bảo tàng của mình”. |