Bảo tàng mở tương tác

Sự khác biệt của một số bảo tàng tại TPHCM nằm ở chỗ không chỉ là nơi lưu trữ, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, mà mỗi bảo tàng cũng là một di sản.

Phần lớn hệ thống bảo tàng công lập trong thành phố hiện nay là một tòa nhà, dinh thự được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố hoặc quốc gia. Chính vì thế, cảnh quan ở bảo tàng cũng trở thành điểm nhấn thu hút khách bên cạnh hiện vật trưng bày.

Khoảng 2 năm trở lại đây, khái niệm đi bảo tàng với công chúng, nhất là giới trẻ, không chỉ đến để tìm hiểu hiện vật, cổ vật… Nhiều bảo tàng trở thành điểm chụp ảnh nổi tiếng cho những bộ sưu tập thời trang mới, triển lãm tốt nghiệp, hay học thêm kỹ năng vẽ. Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM liên tục được các hãng thời trang hàng đầu thế giới chọn làm nơi triển lãm bộ sưu tập.

Từ lâu, nhiều bảo tàng trên thế giới như: Bảo tàng Victoria & Albert (London, Anh), bảo tàng Louvre (Pháp), bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Metropolitan (MET, Hoa Kỳ), Viện bảo tàng Nghệ thuật hiện đại (MoMA-Museum of Modern Art, Hoa Kỳ)… trở thành sàn diễn danh giá để các hãng thời trang giới thiệu bộ sưu tập mới, góp phần đem bảo tàng đến gần hơn với công chúng và tạo nguồn thu hàng triệu USD so với việc bán vé tham quan thông thường. Điều này, có lẽ vẫn là câu chuyện đường dài với các bảo tàng trong nước hiện nay. Tuy nhiên, sự chuyển mình phù hợp với không gian của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, hay chương trình liên kết giữa Bảo tàng TPHCM với Đại học RMIT Việt Nam tổ chức không gian để sinh viên ngành thiết kế, đồ họa triển lãm tốt nghiệp... là cần ghi nhận. Hoặc tương tác mở từ những cuộc thi trên nền tảng mạng xã hội, như chụp ảnh với cổ phục và chụp hình khi tham quan bảo tàng của Bảo tàng Lịch sử TPHCM là sự tương tác thiết thực với công chúng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng fanpage trên mạng xã hội, chia sẻ kiến thức theo sự kiện thời sự, hay tương tác nhanh theo xu hướng của các nền tảng trực tuyến như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ… từng bước chạm đến công chúng bắt đầu từ việc like (thích), chia sẻ, bình luận. Sự bùng nổ của các nền tảng giải trí trực tuyến, thị hiếu thẩm mỹ của khán giả thay đổi, chưa kể để hiểu và thưởng thức được những giá trị văn hóa, lịch sử ở các bảo tàng, đòi hỏi công chúng phải có một khả năng cảm thụ nhất định.

Cởi mở đón nhận làn sóng mới và chuyển mình để phù hợp với thị hiếu đương thời tại các bảo tàng hiện nay tuy vẫn chưa nhiều nhưng nỗ lực là rất đáng kể. Bởi từ những thay đổi nhỏ và ứng biến linh hoạt này, rất có thể một xu hướng, thậm chí nói một cách đầy niềm tin, bảo tàng sẽ trở thành lựa chọn giải trí và thưởng thức văn hóa song hành với nhiều loại hình đang rầm rộ thu hút khán giả khác.

Tin cùng chuyên mục